Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm nay Ban tổ chức không tổ chức hoạt cảnh sân khấu tái hiện thời khắc người Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ làm lễ tế trời đất, đăng quang Hoàng đế, luyện quân và xuất binh đánh giặc; thay vào đó, lãnh đạo địa phương đã đọc diễn văn ôn lại sự kiện lịch sử hào hùng này. 

Năm 1786, Đô thành Phú Xuân được Nguyễn Huệ giải phóng khỏi ách thống trị của họ Trịnh và trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào Tây Sơn.

{keywords}
Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Ngày 25/11 năm Mậu Thân (22/12/1788), cách đây 233 năm, chính tại khu vực núi Bân linh thiêng, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung. Sau lễ đăng quang một ngày, vua Quang Trung ra lệnh xuất quân ra Bắc, đại phá quân Thanh. 

Với lối đánh chủ động, liên tục tấn công, thần tốc, bất ngờ, táo bạo và mãnh liệt, từ đêm 30 Tết đến mờ sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30/1/1789), đại quân Tây Sơn đã mở cuộc tấn công các vị trí cốt yếu, tổng công kích vào đồn Ngọc Hồi - Đống Đa, giải phóng kinh thành Thăng Long, đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Thanh.

Đây cũng là một trong những trận chiến chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam và là chiến công oanh liệt nhất của Hoàng đế "bách chiến, bách thắng" Quang Trung, qua đó lập lại nền thống nhất đất nước, chấm dứt cuộc nội chiến phân tranh giữa nhà Trịnh ở phía Bắc và nhà Nguyễn ở phía Nam (Đàng Trong - Đàng Ngoài) kéo dài hơn hai thế kỷ.

Sau chiến thắng này, suốt hơn 10 năm (1789-1801), Phú Xuân (thành phố Huế) là kinh đô đầu tiên của nước Đại Việt thời Tây Sơn, với niềm kiêu hãnh “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Lễ kỷ niệm 233 năm ngày Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế và xuất binh đại phá quân Thanh thể hiện lòng tôn kính, tri ân của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đối với công lao hiển hách của người Anh hùng dân tộc “áo vải, cờ đào”. Qua đó khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước và tinh thần bất khuất đấu tranh chống giặc ngoại xâm của thế hệ cha ông.

Hiện nay, khu vực núi Bân ở phường An Tây, thành phố Huế đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, địa chỉ du lịch, văn hóa hấp dẫn, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tuấn Kiệt