Ngày 11/6, trao đổi với VietNamNet, bác sĩ chuyên khoa 1 Lưu Công Chính, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội), cho biết nữ bệnh nhân N.H.Y (30 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) bị sét đánh vào sáng 5/6 đã tỉnh táo, các chức năng cơ thể dần hồi phục về mức bình thường. 

Theo bác sĩ Chính, đây là một kỳ tích. “Từng dấu hiệu hồi phục dù nhỏ bé cũng mang đến niềm hy vọng to lớn. Đây thực sự là niềm vui vỡ òa đến với gia đình bệnh nhân và đội ngũ nhân viên y tế", bác sĩ Chính nói.

set danh.png
Chị Y. đã hồi tỉnh, có thể ra viện trong vài ngày tới. Ảnh: BSCC. 

Khi bị sét đánh tại ruộng, chị Y. đã ngừng tuần hoàn. Người nhà sơ cứu và đưa chị vào bệnh viện. Bệnh nhân được các bác sĩ cấp cứu hồi sức tim phổi, chuyển Khoa Hồi sức tích cực để điều trị chuyên sâu.

Hai ngày sau, bệnh nhân mở mắt không có dấu hiệu tổn thương thần kinh, tổn thương sâu. 

Bác sĩ Chính cho biết đây là ca bệnh phức tạp và nguy hiểm, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực đã hội chẩn khẩn cấp. Bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy tiên tiến nhằm kiểm soát nhiệt độ cơ thể và kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực khác như thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, lọc máu, bù nước, điện giải... để điều chỉnh các rối loạn do ngừng tuần hoàn gây ra.

Như VietNamNet đưa tin, sáng 5/6, Hà Nội xuất hiện mưa lớn kèm theo sấm sét liên tục. Khoảng 6h30, chị N.H.Y bị sét đánh khi đang hái rau ngoài ruộng. Gia đình vội đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu. Bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn nhưng người thân cố gắng sơ cứu bằng ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo với hy vọng còn nước còn tát. 

Phó giáo sư Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, khen ngợi người nhà bệnh nhân sơ cứu rất đúng, giúp nạn nhân có cơ hội sống tiếp.

Cách sơ cứu nạn nhân bị sét đánh

Khi gặp người bị sét đánh, nếu nạn nhân hôn mê thì cần kiểm tra xem còn thở hay không. Nếu ngừng thở, cần tiến hành hồi sinh tim phổi ngay lập tức:

- Đặt nạn nhân nằm ngửa.

- Tiến hành hồi sức hô hấp miệng - miệng: Lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu. Sau đó, ngậm kín miệng của nạn nhân, thổi một hơi dài rồi buông để nạn nhân thở ra bình thường. Tiếp tục làm như vậy khoảng 2 lần.

- Ép tim ngoài lồng ngực: Xác định 1/3 dưới xương ức. Đặt hai tay lên vị trí vừa xác định và ép liên tục khoảng 30 lần với tần số khoảng 100 lần/phút, ép sâu khoảng 3-5cm.

- Luân phiên thổi ngạt - ép tim như vậy với tỷ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ và có các trang thiết bị. 

- Cố định cột sống cổ, lưng cho bệnh nhân trong trường hợp nghi ngờ có vết thương trên đầu hoặc vùng cổ sưng nề có máu tụ.

Lưu ý, sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.