Sau khúc dạo đầu êm ả với Nga, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang dành cho Moscow những ngôn từ ngoại giao khá gay gắt, khiến cho triển vọng về một liên minh chiến lược giữa hai nước trở nên mờ nhạt.

Tạp chí Politico cho biết, hôm 27/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer đã mở màn cuộc họp báo bằng một thông điệp tuyên bố Mỹ "lên án mạnh mẽ" việc Nga bắt giữ hàng trăm người, trong đó có Alexei Navalny - người nổi tiếng chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin - trong chiến dịch dẹp biểu tình cuối tuần qua.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Express)

Thông điệp này chứa những ngôn từ mạnh mẽ nhất mà Nhà Trắng của ông Trump dành cho chính quyền Putin, khiến nhiều người Nga ngạc nhiên và tự hỏi liệu có đúng tân Tổng thống Mỹ cho phép chính quyền của ông lên án hành động của Moscow hay không.

Khi còn là ứng viên tổng thống, Donald Trump thường xuyên cam kết sẽ tìm kiếm mối quan hệ thân thiện với Moscow, nhưng đối thoại giữa hai bên đã dần lạnh nhạt trong những tuần gần đây, trong bối cảnh mối quan hệ giữa chiến dịch Trump và Nga đang bị điều tra.

Theo giới chuyên gia, Tổng thống Putin cực kỳ nhạy cảm với chỉ trích của Mỹ về hành động chính trị của ông ở trong nước. Và ông chủ Điện Kremlin có thể sẽ phản ứng tức giận. Thế nhưng, hiện vẫn chưa rõ liệu thông điệp mà Sean Spicer đưa ra có phản ánh một chính sách đã được Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng hay không.

Đến thời điểm này, nhiều vị trí quan trọng phụ trách về Nga tại Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc vẫn còn trống. Một quan chức Nhà Trắng cho biết, Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia về Nga, bà Fiona Hill, vẫn chưa bắt đầu công việc của mình.

Trong những tuần gần đây, Kremlin cũng chĩa vào chính quyền Donald Trump những từ ngữ sắc bén. Thứ Bảy tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga lên án cấm vận mà chính quyền Trump áp lên các công ty làm ăn với Syria, Iran và Triều Tiên. Trong danh sách bị phạt có 8 công ty Nga.

Trong một thông cáo đăng lên Facebook, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh rằng chính phủ của bà "quan ngại và hoang mang" trước hành động của Mỹ.

Zakharova "tố" hành động của Mỹ "gây phương hại đến các triển vọng thiết lập sự hợp tác đa phương toàn diện" để cùng chống khủng bố. "Washington một lần nữa tuân lệnh của những người coi việc phá hoại sự hợp tác Nga - Mỹ là ưu tiên hàng đầu", bà Zakharova viết.

Và ngay trước khi ông Spicer lên tiếng hôm 27/3, nhà ngoại giao cấp cao của Nga đã xoáy sâu vào thông tin rằng cuộc oanh kích ngày 17/3 của Mỹ đã cướp đi mạng sống của 200 dân thường ở thành phố Mosul của Iraq. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov miêu tả ông "giật mình" trước thông tin về vụ tấn công, và cho biết Moscow đã yêu cầu một cuộc họp đặc biệt tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

"Tôi không nghĩ bất kỳ ai ở Lầu Năm Góc muốn nghe người Nga lên lớp về những gì xảy ra ở Mosul", Politico dẫn bình luận của ông Andrew Weiss, cựu quan chức Nhà Trắng thời Bill Clinton phụ trách các vấn đề về Nga.

Thanh Hảo