Thông tin trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: “Trước đây chúng ta thường đặt mục tiêu, nhiệm vụ là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trước, sau đó mới đến các giải pháp khác. Trong năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô”.
Như vậy, khác với những năm trước, tăng trưởng kinh tế sẽ được ưu tiên hơn trong năm tới và hy vọng các chính sách điều hành sẽ được thiết kế để đạt mục tiêu trên. Các bộ, ngành và địa phương chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp, hạn chế tình trạng thận trọng quá mức chỉ sao cho giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô mà lơ là thúc đẩy đúng tiêu tăng trưởng.
Chính phủ liên tục đưa ra nhiều nghị quyết, giải pháp thực hiện các quyết sách như trong năm 2023 nhưng tăng trưởng không đạt mục tiêu. Khi đã nhận ra những hạn chế, hiệu quả chưa cao trong chính sách, thì cần chủ động điều chỉnh mục tiêu để phát huy tiềm năng, dồn sức cho tăng trưởng. Nếu cứ lo giữ sự ổn định mà tăng trưởng thấp, phát triển không tương xứng thì rõ ràng là không phù hợp.
Nhìn lại năm 2023, kinh tế vĩ mô vẫn trong tầm kiểm soát, dù thực hiện nhiều giải pháp nhưng tăng trưởng chỉ 5-5,2%, chưa đạt mục tiêu đề ra là 6,5% và thấp hơn kết quả đạt được 8,02% trong năm 2022. Tuy nhiên, đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ 3,1% năm 2023.
Một trong những nguyên nhân dễ thấy tăng trưởng nước ta chưa đạt mục tiêu, bên cạnh sự thận trong quá mức trong công tác quản lý ở một số lĩnh vực then chốt như tài chính, tiền tệ thì cũng có những yếu tố khách quan như nhu cầu thế giới giảm đã kéo theo các hoạt động liên quan đến sản xuất, việc làm, dịch vụ, chi tiêu, hấp thụ vốn trên thị trường tài chính chững lại. Ví dụ, xuất nhập khẩu sau 11 tháng đạt hơn 600 tỉ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, thị trường bất động sản trong nước trầm lắng, thậm chí nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản dẫn đến cắt giảm lượng lớn lao động. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán còn rất khó khăn. Niềm tin của nhiều doanh nhân hao hụt.
Không ít doanh nghiệp nhà nước chiếm phần lớn vốn ngân sách kinh doanh chưa đạt được kỳ vọng, thậm chí thua lỗ, không những tác động xấu đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng thu hút đầu tư, chuyển đổi công nghệ, phát triển xanh.
Chính sách pháp luật, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập và chồng chéo cũng trở thành chướng ngại, rủi ro khiến giới doanh nghiệp không yên tâm rót vốn đầu tư, mở rộng quy mô. Không ít cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành những công văn khiến nhà đầu tư “chết đứng”.
Các dự án điện mặt trời làm xong “đắp chiếu”, tiến thoái lưỡng nan, lãng phí chồng chất trong khi doanh nghiệp phải xoay sở trả nợ ngân hàng. Các dự án năng lượng tái tạo đã hòa lưới cũng bị xử tùy tiện, bất nhất khi Công ty Mua bán điện thuộc EVN ban hành đến 3 công văn đề xuất hạ giá mua điện dù sau đó đã thu hồi.
Những dự án bất động sản, năng lượng tái tạo đang làm phải dừng lại, treo đó là những ví dụ rất đau xót. Chính sách hay thay đổi, thủ tục chồng chéo làm doang nghiệp khó mà an tâm để đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% sẽ là động lực cho năm 2024. Hiện thực hóa mục tiêu này cần tháo gỡ những trở ngại nêu trên và còn hơn nữa, khơi thông vốn cho thị trường, nơi sự tham gia của khu vực tư nhân mang tính quyết định.
Trước hết, cần các nhóm giải pháp chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó đặc biệt là điều chỉnh cơ cấu đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực.
Theo đó, nguồn vốn ngân sách cần được thiết kể để trở thành vốn mồi, khích thích thu hút vốn xã hội để có thêm các nguồn lực cho nền kinh tế và nâng cao hiệu quả đầu tư. Tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc giải ngân đầu tư công, chi tiêu công sao cho hiệu quả, số đông người dân được thụ hưởng cải thiện đời sống vật chất, hạn chế thấp nhất những lãng phí thất thoát.
Với doanh nghiệp nhà nước đã đến lúc tách bạch rõ ràng hai chức năng đầu tư, kinh doanh có lợi nhuận và an sinh xã hội. Doanh nghiệp nhà nước cần hoạt động theo nguyên tắc thị trường, lời ăn, lỗ chịu.
Cần có hành lang pháp lý, chính sách đảm bảo cam kết thực thi đạt mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế mà Quốc hội và Chính phủ đã xác định. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia và hành động.
Các dự án điện mặt trời sẵn có trong nước nhưng chưa được hòa lưới bán điện cho EVN cần được đưa vào vận hành. Khuyến khích các doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái tạo ra nguồn cung tự sản, tự tiêu.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân rất cần tiếp cận vốn ngân hàng, vì vậy, chính sách tiền tệ vẫn rất quan trọng. Doanh nghiệp vẫn muốn lãi suất thấp hơn. Các ngân hàng mở rộng tín dụng tiêu dùng, hoạt động sản xuất, mở rộng đầu tư, bất động sản.
Với gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội cần giảm điều kiện cả ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản và người dân có thể hấp thụ vốn, kích cầu toàn diện.
Hỗ trợ lĩnh vực bất động sản không gì hơn bằng tháo gỡ khó khăn pháp lý vốn đang chiếm tới 70% khó khăn của doanh nghiệp.
Giải bài toán toàn diện để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh nền kinh tế, nâng cao năng xuất lao động là rất khó, đòi hỏi phải có thời gian. Vì vậy, cần có một chiến lược bài bản và kế hoạch cụ thể với quyết tâm mạnh mẽ từ bây giờ.
Có thể kỳ vọng năm 2024 sẽ khởi đầu cho một chặng đường mới, mà doanh nghiệp dễ thở hơn và đóng góp được nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước.
Trần Văn Trãi