Sao lại xử lý hình sự?

Khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đấu giá tài sản sửa đổi mới đây, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định xử lý hình sự đối với những trường hợp bỏ cọc, có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.

Ý kiến này nhận được sự quan tâm đặc biệt trong bối cảnh có trường hợp bỏ cọc như vụ Thủ Thiêm đầy tai tiếng, vụ cát ở An Giang và Hà Nội mà báo chí đã phản ánh.

Nhưng có thực tế là những vụ bỏ giá cao ngất ngưởng rồi bỏ cọc chỉ đếm trên đầu ngón tay trong số 40.000 cuộc đấu giá trung bình mỗi năm trong vòng 5 năm qua trên toàn quốc. Bỏ cọc không phải là hiện tượng phổ biến, tràn lan trong các cuộc đấu giá.

bao tran.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Việc đấu giá theo thủ tục phải được thực hiện thuận lợi

Những cuộc đấu giá công khai luôn thu hút được sự chú ý của báo chí và dư luận, khiến cho nhiều người nghĩ rằng hiện tượng này phổ biến, dẫn đến hệ quả là chính sách bị sửa đổi để xử lý cho trường hợp hiếm gặp hơn là tạo thuận lợi cho các trường hợp đại trà.

Tất nhiên, có nhiều người lo lắng việc doanh nghiệp bỏ giá cao rồi bỏ cọc nhằm đẩy giá tham chiếu lên, từ đó bán được hàng hoá tương tự với giá cao hơn. Hành vi này đúng là thao túng giá và khá giống với việc dùng nhiều tài khoản chứng khoán mua đi bán lại nhằm đẩy giá tham chiếu lên.

Tuy nhiên, Nhà nước cần chứng minh nhiều yếu tố khác nữa, ví dụ doanh nghiệp đó có hàng hoá tương tự để bán và đã bán được nhờ giá tham chiếu cao hơn để chứng minh hành vi này cấu thành tội phạm.

Trong khi đó, số tiền cọc theo quy định hiện nay là từ 5% đến 20% giá khởi điểm và có tính toán rằng, nếu doanh nghiệp cứ bỏ cọc liên tục thì Nhà nước còn "có lãi".

Đấu giá là cách thức phân bố nguồn lực công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình nhất của Nhà nước cho thị trường vì trước đây việc phân bố tài sản công thường dưới hình thức cấp – phát, xin – cho đầy mù mờ và tạo cơ hội cho bòn rút, thông đồng, tham nhũng. Vì vậy, nếu bỏ giá cao rồi bỏ cọc mà bị quy là cấu thành tội phạm là điều rất không tốt cho cả mô hình đấu giá nói riêng lẫn thị trường nói chung.

Đề xuất “xử lý hình sự” đối với những trường hợp bỏ cọc chỉ là ý kiến cho dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, nhưng cách tiếp cận này đang trở thành một xu thế rất đáng lo - hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Hình sự hóa là tan nát doanh nghiệp, thất thu ngân sách

Đã đành, nhiều vụ việc liên quan đến doanh nghiệp trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… bị quy kết là lừa đảo, chiếm đoạt, thao túng, tước đoạt tiền của Nhà nước và Nhân dân gần đây là không thể biện minh được và không thể chấp nhận được.

Nhưng liệu có cách xử lý khác hay không?

Chẳng hạn, với hành vi thao túng chứng khoán. Khi sửa đổi Luật Chứng khoán 2019, đã có nhiều góp ý tiền phạt cho hành vi thao túng chứng khoán lên đến 1.500 tỷ đồng, một số tiền cực lớn để không một ai dám “thao túng”. Đáng tiếc là đề xuất này không được tiếp thu và Luật chỉ giữ mức phạt 500 triệu đồng, chẳng bõ bèn gì so với số tiền thu lợi, ví dụ, 700-1000 tỷ đồng. Vì vậy, dù có bị phạt một lần, người ta sẵn sàng tiếp tục vi phạm lần sau, lần sau nữa vì mối lợi quá lớn bất chấp đạo đức.

Đáng tiếc, những vụ việc như trên có vẻ dầy lên gần đây và mang lại tác động quá lớn đến tâm lý doanh nghiệp và môi trường kinh doanh. Nhiều doanh nhân chùn lại.

Lãnh đạo VCCI từng chỉ ra rằng, ở nhiều nước theo kinh tế thị trường, Nhà nước xử lý sai phạm kinh tế bằng các chế tài kinh tế chứ không bằng các biện pháp hình sự để tránh các tổn thất không đáng có. Một doanh nhân, nếu chỉ vì quan hệ kinh tế, mà bị hình sự hoá sẽ gây phản ứng rất tiêu cực như doanh nghiệp có thể bị sụp đổ, hệ sinh thái quanh doanh nghiệp đó bị phá hỏng, người lao động mất việc làm, nhà nước thất thu ngân sách, và quan trọng nhất là tinh thần kinh doanh bị suy sụp. Bắt một người vì sai phạm kinh tế thì có thể bắt nhiều người vì lỗi tương tự, mà ví dụ sinh động nhất là những gì diễn ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

trai phieu 1047.jpg
Hình sự hoá các quan hệ kinh tế khiến nhà nước thất thu ngân sách. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Trước thực tế đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó đưa ra một quan điểm rất đáng chú ý: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế…”.

Trước đó, năm 2016 Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nêu “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự”.

Cách quản lý như vậy tương thích với nền kinh tế thị trường mà chúng ta theo đuổi, là chỉ dấu của văn minh và cũng là điều doanh nghiệp mong mỏi đợi chờ. Nhiều cơ quan có thẩm quyền hứa hẹn thực hiện.

Còn nhớ, năm 2016, tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc đã ký cam kết tạo thuận lợi, đặc biệt không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, cho các doanh nghiệp với VCCI nhằm thực hiện Nghị quyết 35.

Nhưng đáng tiếc, đến nay khái niệm “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” là như thế nào thì không được bất kỳ một cơ quan nào định nghĩa.

Cần một cách tiếp cận văn minh của nền kinh tế thị trường

Trước thực tế đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung thiết tha đề nghị cần hiểu và áp dụng thống nhất “không hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự” như sau:

Thứ nhất, mọi vi phạm, tranh chấp hợp đồng kinh tế, dân sự giữa các bên hợp đồng dưới mọi hình thức, dưới mọi quy mô đều không bị cáo buộc hình sự và chỉ được giải quyết thông qua toà án hoặc trọng tài kinh tế.

Thứ hai, dưới bất kỳ tác động hay yêu cầu nào, các cơ quan có thẩm quyền đều không điều tra, không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can trong các vi phạm, tranh chấp hợp đồng kinh tế, dân sự.

Kiến nghị của chuyên gia cần được phân tích, tiếp thu để thể chế hóa Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, điều mà lẽ ra những đại biểu có ý kiến như nêu trên cần tiếp thu trước khi đưa ra đề xuất “hình sự hóa” với hành vi bỏ cọc.

Việc thể chế hóa khái niệm này và tuân thủ nó trong cuộc sống là vô cùng cần thiết để củng cố lại tinh thần kinh doanh đang suy sụp và tạo động lực cho khu vực doanh nghiệp vẫn manh mún, yếu kém sau 40 năm Đổi mới.

Xin nhắc lại, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 đã lỡ; còn mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 cũng có nguy cơ tiếp tục lỡ nếu thiếu hành động thiết thực, cấp bách trong cả xây dựng và thực thi chính sách ngay từ hôm nay.

Tư Giang