Xem clip:
Khu vườn cổ tích với nhiều góc "chill" đậm nét quê và rất tinh tế của 8X Bình Phước.
Người miền Đông mê mẩn khu vườn ở miền Tây sông nước
Sinh ra và lớn lên giữa miền Đông Nam Bộ, thế nhưng không hiểu từ lúc nào Nguyễn Trường Lý (SN 1988) lại mê mẩn những khu vườn đậm nét của miền Tây sông nước.
Để thỏa mãn đam mê của mình, năm 2013, Lý bắt tay vào xây dựng khu vườn trong mơ trên 1 phần nhỏ đất vườn của bố mẹ. Đang làm việc tại TP.HCM, cứ được nghỉ Lý lại tranh thủ về nhà để làm vườn.
Anh thuê người đào một cái ao rộng khoảng 2,5m và dài hơn 6m để thả cá, trồng hoa súng. Để chiếc ao nhỏ mang nét đặc trưng miền Tây, Lý trồng xung quanh hoa thiên điểu, hoa lan ý và các loại cây quen thuộc với nhà nông như dừa nước, mù u, bình bát lúa,… Tất nhiên, Lý không quên “tậu” một chiếc thuyền gỗ nhỏ.
8X còn cùng với em trai lái máy cày đi hàng chục cây số, dùng tời (ròng rọc) cẩu những phiến đá kích thước lớn về để kè bờ, tạo tiểu cảnh xung quanh ao. “Vì đam mê nên tôi chẳng ngại khó ngại khổ gì cả. Chở tảng đá nặng khiến xe bị lật nhưng tôi cũng không lo sợ hay chùn bước”, Lý cười nói.
Đôi chim trích cồ được Lý nuôi từ năm 2013, cứ sổng chuồng là lao xuống ao và "chọi nhau" chí chóe.
Ước mơ tạo nên một khu vườn cổ tích đậm nét quê nên đi tới đâu Lý cũng “để ý ngó nghiêng” sưu tầm cây cối và đồ vật mang về trang trí.
Những chiếc cối đá, chum, thuyền gỗ… đều được Lý xin hoặc mua lại rồi mang về sắp đặt trong khu vườn của mình. Những bụi thiên điểu, hoa chuối pháo, tiêu lốp, bơ lạc, mít không hạt hay cả cây tre đằng ngà làm hàng rào cũng được Lý góp nhặt mang từ thành phố và miền Tây về.
Những bụi hoa chuối pháo rực rỡ quanh năm và bền màu trên cây tới 6 - 7 tháng. Hàng năm, trước Tết khoảng 2,5 - 3 tháng, Lý cắt tỉa cây đồng loạt rồi cắt nước (không tưới nước) cho cây từ 2-3 tuần. Sau đó, anh tưới nước cho cây hồi sức rồi lại tiếp tục cắt nước 1 lần nữa. “Làm như vậy, hoa chuối pháo sẽ nở nhiều và đồng loạt dịp Tết”, Lý chia sẻ bí quyết.
Điểm nhấn của khu vườn cổ tích chính là hàng rào cây chuối pháo dọc theo cổng vào và những bụi cây "khổng lồ" rực rỡ hoa.
Đại dịch Covid -19 bùng nổ, Lý quyết định rời bỏ thành phố về sống cùng bố mẹ, xây dựng khu vườn cổ tích. Từ một chàng trai học ngành công nghệ thực phẩm, Lý trở thành một người nông dân thực thụ. Sau 10 năm, khu vườn cổ tích rộng 1.500m2 đã thành hình. 8X không học khóa đào tạo nào liên quan tới thiết kế, trồng cây nhưng đã tạo nên khu vườn đẹp mộng mơ đậm nét quê và rất tinh tế.
“Mới đầu, ba mẹ tôi không thích khi thấy con trai dành nhiều công sức và thời gian vào khu vườn. Nhưng khi khu vườn hoàn thiện, cảnh quan thanh bình, bố mẹ tôi lại có chỗ để thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng”.
Những vụ mùa bội thu trong khu vườn cổ tích. Cây cà na, mít không hạt, quả bồ quân, bơ lạc, tiêu lốp... được 8X trồng xen lẫn giữa vườn hoa cây cảnh.
Những món đồ gợi nhớ tuổi thơ gian khó
Nhìn những đồ vật cũ được trưng bày trong nhà, Lý kể vanh vách nguồn gốc lai lịch từng thứ một.
“Ngày trước, gia đình tôi nghèo lắm. Chiếc đèn dầu này chỉ nhà nào giàu có mới treo lên dùng. Tôi lúc ấy mới 5-6 tuổi chỉ biết ngửa cổ nhìn lên mà ao ước. Khi lớn lên rồi tôi quyết tâm tìm mua bằng được”, Lý kể.
Trong lần tham gia chương trình mùa hè xanh về miền Tây, thấy nhiều gia đình vứt bỏ cối đá, Lý đi xin hoặc mua lại. Việc mang được những món đồ cũ ấy về Bình Phước cũng là một hành trình gian nan với 8X. Qua nhiều chặng xe đò, Lý mới mang được những món đồ "người ta vứt đi" về nhà mình và coi như báu vật.
Những chiếc chum, lu, vại đựng nước mưa được Lý dày công sưu tầm nhiều năm. Có những cái chum to rất nặng, Lý chở bằng xe máy về tới nhà như một kỳ tích.
Lý đang sở hữu 24 chiếc cối đá, hàng chục chiếc chum kích thước lớn, hơn 10 chiếc đèn dầu, 6 cái cân tạ, chiếc xe đạp, ti vi, máy khâu, đài cassette, đầu băng từ…
Mái nhà lợp lá được dựng lên từ xưa, khi bố mẹ Lý mua đất lập nghiệp tại Bình Phước vẫn được giữ lại. Tới năm 2018, gia đình Lý mới tiến hành lợp mái tôn.
“Ở trong nhà mái lá rất mát. Bố mẹ tôi có lối sống rất giản tiện. Ông bà không xây mới mà cứ cải tạo, cơi nới rồi sinh sống trong căn nhà cũ đó”, Lý nhớ lại.
Ngôi nhà cũ chính là nơi lưu giữ những kỷ niệm thời thơ ấu của anh chị em Lý. Ngày nay đời sống kinh tế đã khá hơn, các tiện nghi sinh hoạt hàng ngày từ ti vi, máy giặt, tủ lạnh, bếp ga… gia đình Lý đều sắm đầy đủ. Thế nhưng, mẹ Lý vẫn giữ đức tính cần cù chịu thương chịu khó của phụ nữ Nam Bộ, thích nấu ăn bằng bếp củi. "Củi trong vườn nhà luôn sẵn, mẹ bảo nấu cơm bếp củi nồi gang vừa rẻ vừa ngon", Lý nói.
Chứng kiến bố mẹ vất vả làm việc ngày đêm để nuôi 5 chị em khôn lớn, Lý thương bố mẹ và luôn ấp ủ ước mơ giúp bố mẹ bớt khổ.
“Trước mắt tôi làm khu vườn cảnh quan đẹp để bố mẹ thư giãn, lấy lại tinh thần sau ngày làm việc mệt nhọc. Sắp tới tôi sẽ hoàn thiện thêm 1 số hạng mục nữa để thỏa mãn đam mê thiết kế khu vườn đậm nét quê của mình", Lý nói.
Ảnh, clip: Nhân vật cung cấp