Hiện nay có hiện tượng cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền không đúng với quy định của nhà nước. Ảnh có tính minh họa, nguồn Internet.

Theo một lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), xu thế phát triển mạnh dịch vụ phát thanh truyền hình trên Internet cũng nảy sinh một số vấn đề khó khăn trong công tác quản lý. Do các dịch vụ cung cấp trên Internet là dịch vụ không cần triển khai hạ tầng, nên có hiện tượng một số đơn vị lách luật bằng cách xin cấp giấy phép cung cấp mạng xã hội, nhưng thực chất là cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, bằng hình thức này các doanh nghiệp lách luật để không phải xin giấy phép truyền hình trả tiền.

Hoặc có một số đơn vị lại xin thiết lập các đầu số ngắn rồi cung cấp dịch vụ video ngắn. Nhưng do tác động của vụ án game cờ bạc Rikvip nên dịch vụ đầu số có thu tiền là nhà mạng yêu cầu đơn vị thuê đầu số phải đi xin chứng nhận theo giấy phép Thông tư 08/2017/TT-BTTTT về đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin di động. Nhưng khi xin giấy chứng nhận theo Thông tư 08 thì nhà mạng (đơn vị cho thuê đầu số) sẽ trở thành là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Theo quy định hiện nay, đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền hàng năm phải nộp khoản phí 0,3% doanh thu cho nhà nước, nhưng với các dịch vụ truyền hình cung cấp qua các đầu số ngắn phần doanh thu của dịch vụ chuyển sang nhà mạng. Như vậy nhà nước sẽ bị thất thu khoản phí 0,3%, đây là một tình huống quản lý mà Bộ TT&TT đang bàn bạc với Bộ Tài chính để có biện pháp quản lý.

Hiện có 36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (tăng thêm 1 doanh nghiệp so với năm 2018), trong đó có 20/36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet. Xu thế cung cấp dịch vụ nội dung phát thanh truyền hình qua Internet sẽ ngày càng tăng lên trong những năm tới.

Cũng theo đại diện Cục PTTH&TTĐT hiện nay, liên quan đến quản lý dịch vụ nội dung trên mạng thì những năm gần đây xuất hiện nhiều app lậu bán dịch vụ nội dung qua các box Adroid TV. Việc kinh doanh, mua bán các Box này khá dễ dàng, người dùng chỉ cần mua Box về gắn vào tivi và Internet là có thể vào App xem thoải mái các nội dung trong đó có nhiều nội dung lậu, nội dung không có bản quyền. Một số loại Smart TV cũng cài đặt nhiều App lậu cung cấp các nội dung mà theo quy định của nhà nước Việt Nam là phải xin được cấp phép.

Lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT đã nêu cụ thể trường hợp của Samsung đã cung cấp App có hơn 60 kênh truyền hình Hàn Quốc có phụ đề tiếng Việt trên Smart TV Samsung. Cục đã mời đại diện Samsung tới đề nghị gỡ App lậu này

Sắp tới Cục sẽ phối hợp với các Sở TT&TT để quản lý các nội dung lậu cung cấp trên mạng xã hội, trên các App. Trong đó, sẽ phối hợp với các hãng tivi để gỡ bỏ những nội dung lậu. Đối với các Android TV Box sẽ phối hợp cơ quan quản lý thị trường, các sàn thương mại điện tử để quản lý box lậu. Phải có biện pháp để ngăn chặn các đơn vị kinh doanh không được bán Box có cung cấp nội dung lậu nữa.