Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt “Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”. 

Mục đích thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững.

Bên cạnh đó, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là một trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bao gồm các nội dung: tỷ lệ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường. 

Ngoài ra, không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp. Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Xây dựng nông thôn mới mang lại diện mạo khởi sắc cho các vùng quê ở Lai Châu. Ảnh: Đoàn Bổng

Huyện Nậm Nhùn tỉnh Lai Châu là địa phương chú trọng bảo vệ môi trường trong quá trình thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. 

Những năm gần đây, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Nậm Nhùn được triển khai thường xuyên. Các quy định về bảo vệ môi trường được đưa vào nội quy cơ quan; quy ước của bản, xã… Điều này đã góp phần tạo điều kiện cho các xã hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. 

Đặc biệt, các ban ngành, đoàn thể ở huyện Nậm Nhùn đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Đó là việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Nước thế giới, phong trào Chống rác thải nhựa... thu hút đông đảo người dân tham gia. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện nội dung cam kết bảo vệ môi trường của các tổ chức, các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Với những hoạt động cụ thể trong bảo vệ môi trường, đến nay, huyện Nậm Nhùn có hơn 60% lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn và 100% lượng rác thải ở đô thị được thu gom, xử lý. Hơn 98% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ chăn nuôi có chuồng trại đạt 71,3%; 2/10 xã trên địa bàn xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới…

Người dân của huyện đã có những hành động thiết thực. Cụ thể, thay vì vứt rác bừa bãi như trước đây, nay người dân đã thu gom, tiêu hủy bằng cách đốt, chôn lấp hoặc mang ra điểm tập kết. Cùng với đó, một số xã của huyện đã bố trí, quy hoạch khu vực tập kết, xử lý rác thải tập trung tại các bản.

Ví dụ tại xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, 100% lượng rác thải sinh hoạt ở khu dân cư trên địa bàn đã được thu gom, xử lý tập trung; 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ngoài ra, trên 80% số hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; 100% số hộ đưa chăn nuôi gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn... 

Những kết quả này đã góp phần nâng cao môi trường của trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên bên cạnh những điểm sáng, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Nậm Nhùn vẫn còn những tồn tại. Đó là việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân có nơi còn chưa thực sự thường xuyên, liên tục.

Rác sinh hoạt một số nơi vẫn chưa được thu gom triệt để. Hạ tầng một số điểm tập kết, xử lý rác thải chưa được hoàn thiện đảm bảo theo quy định. Công tác chỉnh trang đường nội bản chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Tình trạng thả rông, để gia súc phóng uế gây mất vệ sinh vẫn còn tồn tại.

Điều này yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong tiến trình chung xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thảo Ngọc