Thời gian qua, với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành chăn nuôi của tỉnh Lai Châu đã từng bước thay đổi phương thức, từ chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát, chăn nuôi tập trung, góp phần giúp người dân nâng cao đời sống vật chất, tạo công ăn việc làm, ổn định an ninh trật tự, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 08 trang trại chăn nuôi, 10 Hợp tác xã (HTX) hoạt động chăn nuôi ; 04 doanh nghiệp chăn nuôi (chủ yếu là chăn nuôi lợn với quy mô 2.000-4.000 con/lứa); khoảng 45.050 hộ chăn nuôi trâu bò, 43.150 hộ chăn nuôi lợn, 90.900 hộ chăn nuôi gia cầm (Trong đó có trên 240 cơ sở, hộ chăn nuôi quy mô từ 15 con trâu, bò, ngựa hoặc 50 con lợn, dê hoặc 500 con gia cầm hoặc 300 con thỏ trở lên).

Ảnh minh họa

Việc thu hút đầu tư, liên kết phát triển sản xuất chăn nuôi được tỉnh quan tâm, cùng với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư và khảo sát địa điểm đầu tư (Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung GĐ 2021-2025; Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1784/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2022-2025…).

Hiện có 10 công ty đang thực hiện khảo sát, lập đề xuất phương án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi tại Lai Châu, như : Công ty TNHH Mavin Lai Châu (Tập đoàn Mavin Việt Nam) đề xuất dự án Tổ hợp chăn nuôi trồng trọt và chế biến nông sản tại xã Phúc Than, huyện Than Uyên; Công ty CP tập đoàn TM đầu tư và xây dựng ALANTIC và Công ty cổ phần chăn nuôi Lai Châu cùng đề xuất khảo sát đầu tư dự án chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên; Công ty CP đầu tư công nghệ cao Tây Bắc đề xuất đầu tư dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao tại Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ…

Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm góp phần tăng quy mô, giá trị sản xuất, trên địa bàn các huyện, thành phố.

Tỉnh Lai Châu đang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Tỉnh cũng ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp phát triển liên kết sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng quy mô hoạt động sản xuất; tập trung phát triển HTX, trang trại chuyên sản xuất, cung ứng con giống đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân.

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung hiệu quả, bền vững, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo trang trại công nghiệp, khép kín, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Chuyển dần phương thức chăn nuôi đại gia súc từ nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát, chăn nuôi tập trung; kiểm tra, rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi các diện tích đất nông nghiệp sử dụng kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi nhằm duy trì và phát triển đàn đại gia súc hiện có.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, bền vững, tăng cường chuyển đổi phương thức chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm gia tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản; phát triển sản xuất gắn với phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng thời tỉnh tiếp tục kiểm soát tốt tình hình chăn nuôi, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên động vật nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế; các địa phương trong tỉnh cần làm tốt khâu tái đàn vật nuôi; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Các địa phương đẩy mạnh việc chăn nuôi gia súc, gia cầm phải đảm bảo phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh và hiệu quả cao; phát huy lợi thế của từng địa phương để chăn nuôi những vật nuôi đặc sản, các giống bản địa có giá trị kinh tế cao dựa trên các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẵn có tại địa phương...

Tỉnh Lai phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 5%/năm; đến năm 2025 đạt 389.600 con gia súc, trong đó: trâu 96.750 con, bò 20.350 con, lợn 272.500 con; đàn gia cầm 1.850 nghìn con.

Phấn đấu đến năm 2025, có trên 36 cơ sở chăn nuôi trâu bò; 28 cơ sở chăn nuôi lợn; 12 cơ sở chăn nuôi dê; 06 cơ sở chăn nuôi ngựa tập trung; có thêm 760 đàn ong, đưa tổng số đàn ong đạt trên 4.380 đàn với trên 17 cơ sở; 06 cơ sở chăn nuôi thỏ theo hướng tập trung, liên kết sản xuất. Hình thành 02 cơ sở sản xuất con giống gia cầm.

Hồ Nhi