Bằng không, hãy thuê một lái xe chuyên nghiệp đưa bạn luồn lách qua những tuyến phố đông như mắc cửi, nơi các phương tiện từ sang trọng hào nhoáng của những tay chơi sành sỏi đến thô sơ lạc hậu mà có lẽ ở đâu đó chỉ còn thấy trong viện bảo tàng, lưu thông theo những quy luật bất thành văn.

Một cảnh giao thông đông đúc ở bang Rajasthan. Ảnh: TTXVN

Sử dụng từ "mạo hiểm" để mô tả khi tham gia giao thông ở Ấn Độ có lẽ không quá, khi các tài xế ở miền đất thần thoại và sử thi cứ lao xe vun vút, thể hiện phong cách lái xe bất cẩn trên những con đường lỗ chỗ… "ổ voi". Giao thông ở đây ồn ào, lộn xộn và bon chen, cả bụi bặm nữa. 

Các loại phương tiện giao thông ở Ấn Độ hết sức đa dạng, từ ô tô, xe máy, túc túc, xe ba bánh chở khách đến xe đạp, xe kéo tay hay thậm chí là xe ngựa hoặc lừa, ngựa. Các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe ba bánh chở khách rất tồi tàn, nhưng lúc nào cũng chật kín người.

Xe hơi thì đủ loại. Ở những thành phố lớn như Delhi và Mumbai, các xế hộp hạng sang chạy nhan nhản ngoài đường, bật nhạc xập xình. Ngoài ra phần lớn là những chiếc xe bình dân do liên doanh Maruti Suzuki sản xuất nội địa.

Điều đáng nói ở đây là các tài xế đi đường khá "hồn nhiên", phóng nhanh vượt ẩu như thể "nhà bao việc" và thường xuyên tạt đầu xe khác, chuyển hướng hiếm khi bật xi nhan, chưa kể nhiều xe đi trên đường cụp cả gương chiếu hậu, dừng đèn đỏ thì nhô quá cả phần đường cho người đi bộ, rẽ phải thì đi tận làn ngoài cùng bên trái tạt sang.

Bởi vậy, mà dường như trên bất cứ một chiếc xe nào lưu thông trên đường phố Ấn Độ cũng ít nhiều mang dấu tích của các vụ đâm va đụng quệt.

Xe thì xước xát, xe thì móp méo, xe chả có gương, xe dùng băng dính hay dây dợ bìa các tông chằng buộc gia cố những phần long rụng. Người điều khiển xe máy thì cũng "vô tư" lắm, hay đi ở giữa đường, lấn làn và lượn lờ trước mũi ô tô như thể một mình một cõi.

Một chiếc xe buýt ở New Delhi. Ảnh: TTXVN

Thi lấy bằng lái xe ở New Delhi cũng là một trải nghiệm có một không hai. Thi lý thuyết chỉ phải trả lời 5 câu hỏi ngắn gọn, khá đơn giản.

Đỗ lý thuyết sẽ được cấp giấy chứng nhận lái xe tạm thời trong vòng 1 tháng và tài xế phải dán chữ L (Learner - người học lái) bằng băng dính màu đỏ vào kính sau của xe.

Trong khoảng thời gian này, các tài xế không được chở người trên xe của mình và chỉ được lái xe trong một giới hạn tốc độ nhất định.

Sau 1 tháng người lái xe sẽ quay trở lại thi thực hành. Những tưởng phải đến một trung tâm sát hạch đào tạo quy mô nào đó để thi trên sa hình. Hóa ra, sa hình cũng có đấy mà chỉ là một con ngõ nhỏ (rộng chừng hơn 3 mét).

Trong cái ngõ ấy, các giám thị xếp những cái cọc đỏ tạo thành một phần đường rộng khoảng 2 mét, dài hơn 10 mét. Bài thi rất đơn giản: Tiến xe (của mình) vào rồi lùi xe ra.

Thế là đỗ. Sẽ có một nhân viên đứng ngoài ghi hình lại toàn bộ quá trình này. Ấy vậy mà vẫn có không ít người trượt, có lẽ do tay lái còn non, lùi xiên xẹo, chèn cả mấy cái cọc.

Đàn bò diễu hành trên phố. Ảnh: TTXVN

Lái xe ở Ấn Độ còn nguy hiểm ở chỗ ngoài tránh người và xe cộ, bạn còn phải né cả bò và các loại động vật khác như chó mèo khỉ. Khoảng 80% dân số của đất nước hơn 1,3 tỷ dân theo đạo Hindu. Họ tôn thờ bò, và cả một số động vật khác, như một linh vật biểu tượng trong tôn giáo của mình.

Bởi vậy, không khó để bắt gặp cảnh tượng từng đàn bò, thậm chí cả trâu, đi lại lững thững trên những con phố trung tâm bên cạnh những chiếc Audi hay Mercedes bóng lộn.

Các tài xế dù đi nhanh hay ẩu đến mấy cũng phải cố mà bẻ lái kịp thời để tránh "thần linh". Họ cũng không mấy khi bấm còi để "thần linh" phải nhường đường, mà lặng lẽ né qua một bên, để rồi ngay sau đó sẽ lại bấm còi bon chen.

Mà bấm còi ở đây dường như là một cách thức bày tỏ tâm trạng khi lái xe ở Ấn Độ, để diễn tả bất cứ loại cảm xúc nào chỉ bằng một công cụ duy nhất.

Đấy là chưa kể đến những sự kiện như cưới hỏi, sinh nhật hay các lễ hội tôn giáo càng khiến giao thông thêm tắc nghẽn. Bên trong cứ nhạc xập xình, bên ngoài cứ còi xe inh ỏi huyên náo cả một khu phố đông.

Ấn Độ là đất nước đông dân thứ hai thế giới, nên chẳng có gì lạ khi các lái xe ở đây phải làm quen với cảnh đường sá đông đúc ken đặc người và xe.

Với đặc tính quá nhanh quá nguy hiểm như vậy, người nước ngoài khi tham gia giao thông ở Ấn Độ phải rèn luyện cho mình một đức tính, đó là kiên nhẫn.

Bên cạnh đó, lái xe cần tập trung cao độ, luôn sẵn sàng đạp phanh, bẻ lái và tăng tốc gần như đồng thời. Nếu xảy ra sự cố, hãy tìm cách giải quyết nhanh nhất có thể./.

Theo Bnews