- Doanh nghiệp càng lớn càng bị thanh tra, kiểm tra thuế nhiều. Điều này khiến cho doanh nghiệp không phục ngành thuế và cho rằng, cơ quan thuế chỉ chăm chăm lo thu chứ không hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp.

Chưa chỉ ra sai sót giúp doanh nghiệp

Năm 2012, Công ty Dệt may Châu Giang (Hà Nam) nhập khẩu 2 lô thiết bị để phục vụ cho sản xuất. Mọi hoạt động kinh doanh của công ty sau đó vẫn diễn ra tốt đẹp, các nghĩa vụ về thuế vẫn được chấp hành bình thường. Cho đến năm 2014, bất ngờ công ty bị phát hiện chưa nộp thuế nhập khẩu và thuế VAT. Đó là kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm 2014.

Ngay sau đó, Cục Thuế Hà Nam lập tức vào cuộc thanh tra công ty dệt may này kể từ khi thành lập - năm 2000. Kết luận thanh tra thuế cũng nêu ra hàng loạt vấn đề về nợ thuế nhập khẩu.

Mang câu chuyện này tới buổi họp công bố Báo cáo Đánh giá về cải cách thủ tục hành chính thuế 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 11/8, ông Trương Đình Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty Dệt may Châu Giang, giãi bày: "Tôi rất buồn. Chúng tôi có quy mô nhỏ, xa trung tâm, cập nhật thông tin chính sách bị hạn chế. Sai thì phải sửa nhưng đáng lẽ, cơ quan thuế phải đồng hành với doanh nghiệp ngay từ đầu, chỉ cho chúng tôi những thiếu sót. Không phải cứ để doanh nghiệp vi phạm rồi quay sang làm như vậy".

{keywords}
Nhiều DN cho rằng cơ quan thuế chưa hỗ trợ chỉ ra sai sót trong giúp DN mà chỉ chăm chăm lo thu.

"Chúng tôi giật mình với kết quả trên. Bởi vì trước đó, Cục Thuế Hà Nam đã thanh tra kiểm tra nhiều nhưng không hề chỉ ra các sai sót. Đến khi có việc thì quay ra thanh tra từ đầu", ông Vân nói.

Cũng tâm tư vơi đầy, bà Vũ Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Nam Thanh, tranh thủ đến dự cuộc hội thảo này như một cơ hội để được gặp và trực tiếp nói ý kiến của mình với ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

"Tôi đã gặp thư ký của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn rất nhiều lần, đăng ký xin gặp và không được, giờ mới có cơ hội", bà Thanh mở lời. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn là một trong 5 vị chủ tọa của hội thảo này.

Bà Thanh chia sẻ: "Đã 3 năm nay, tôi gửi văn bản kiến nghị đi khắp nơi, đến Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Chính phủ,... mà không nhận được một hồi âm nào”.

Bà Thanh kể: "Từ năm 2000 trở về trước, công ty bà nhập máy móc tạo tài sản cố định vẫn được miễn thuế VAT,... Nhưng năm 2011, khi công ty nhập một lô máy móc hiện đại với giá lên tới 13 tỷ thì bất ngờ, ngành hải quan yêu cầu phải nộp 1,3 tỷ thuế VAT".

"Để phát triển doanh nghiệp, tôi đã phải tự vận động, chạy lo được 13 tỷ đồng rồi. Giờ đến tiền thuế VAT 1,3 tỷ, tôi không thể còn sức lo được. Tôi nhập máy về không phải đi buôn, tại sao lại bắt tôi đóng thuế VAT. Tôi mở doanh nghiệp, sau lưng tôi là hàng trăm người lao động, sao không được hỗ trợ?", bà Thanh bức xúc, nói với giọng như sắp khóc.

Bà nhấn mạnh: "Tôi đề nghị các cơ quan bộ ngành cần phải xuống xem doanh nghiệp khó khăn như thế nào để giúp đỡ, vì sau lưng họ, còn có bao nhiêu người lao động".

Càng lớn, càng thanh tra nhiều

Theo Nghị quyết 19 của Chính phủ, ngành thuế năm nay phải giảm được 50 giờ nộp thuế. Nhưng bên cạnh đó, bộ chỉ số mới của Ngân hàng Thế giới về xếp hạng môi trường kinh doanh đã thay đổi mà theo đó, không chỉ đo số giờ nộp thuế mà còn đo lường về thời gian thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm của ngành này.

Bên cạnh thành tích giảm được 420 giờ nộp thuế, như một tín hiệu thành công đột phá, thì những câu chuyện trên của doanh nghiệp đã cho thấy, ngành thuế còn phải tự cải tổ rất nhiều.

{keywords}

Xu hướng lạm dụng thanh tra kiểm tra, nhất là trong lĩnh vực thuế, là gánh nặng đối với doanh nghiệp (ảnh TBTC)

Công bố báo cáo Đánh giá về cải cách thủ tục hành chính thuế, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI chỉ ra một hiện tượng: "Doanh nghiệp càng lớn, thì khả năng thanh tra, kiểm tra thuế lại càng cao".

Ông cho biết, năm 2014, có 52% trong tổng số 2.500 doanh nghiệp được điều tra đã từng đón tiếp các đoàn thanh, kiểm tra về thuế.

Trong đó, nếu chỉ 37% doanh nghiệp nhỏ, có quy mô vốn dưới 1 tỷ đồng, bị thanh tra, kiểm tra thuế thì với doanh nghiệp quy mô vốn từ 50 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ này lên tới 61-62%.

Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân bị soi nhiều hơn khi có trên 66% doanh nghiệp lớn, vốn trên 100 tỷ đồng, đã bị thanh tra, kiểm tra thuế.

Mặc dù, có tới 80% doanh nghiệp đánh giá thái độ công chức ngành thuế đúng mực nhưng mặt khác, cuộc điều tra cũng phát hiện, 26% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức trong các lần thanh, kiểm tra này. Và 32% doanh nghiệp khẳng định, cách hiểu, cách áp dụng chính sách của các cán bộ thuế là suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp. Chưa kể, cũng có 26% doanh nghiệp kêu ca bị thanh kiểm tra trùng lặp.

Ông Đậu Anh Tuấn cho hay: "Các doanh nghiệp chưa tậm phục, khẩu phục với phương pháp chọn mẫu thanh tra, kiểm tra hiện nay vì xu hướng lạm dụng thanh tra kiểm tra nhiều. Đó là gánh nặng khiến doanh nghiệp không chịu lớn lên".

Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, nhận xét: "Điều đó phản ánh cơ quan thuế vẫn kiểm tra theo tư duy truyền thống. Người nào làm được nhiều việc thì dễ có nhiều sai sót, truy thu sẽ được nhiều. Nếu thanh kiểm tra mà không ra kết quả thì dường như lại không hoàn thành nhiệm vụ".

Tuy nhiên, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay: "Nghị quyết 19 lần 2 của Chính phủ đã yêu cầu phải đổi mới điểm này, chuyển sang phương thức quản lý rủi ro. Cơ quan thuế phải đánh giá trên cơ sở dữ liệu của 530.000 doanh nghiệp cả nước, phân loại ra, đâu là khu vực rủi ro và sẽ chỉ được thanh tra 20% trong số đó. Không thể thanh tra kiểm tra theo cảm tính".

Riêng về tâm tư của các doanh nghiệp, ông Tuấn vẫn khẳng định "đã giao anh em xử lý".

Phạm Huyền