Nhà nông tiên phong làm OCOP
Đức Trọng là một trong những địa phương ở Lâm Đồng có nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có để phát triển sản phẩm OCOP.
Xác định tầm quan trọng của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian qua, huyện Đức Trọng đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng các địa phương trong huyện tập trung xây dựng kế hoạch, triển khai tới từng xã, thị trấn tổ chức lựa chọn các sản phẩm đặc sắc để xây dựng thương hiệu OCOP. Ngoài ra, hàng năm, huyện đều tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình OCOP; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm...
Đến nay, huyện Đức Trọng có 35 sản phẩm OCOP, trong đó 13 sản phẩm đạt 4 sao, 22 sản phẩm đạt 3 sao.
Ông Lê Nguyên Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, cho biết, bằng các nguồn vốn, nhất là các nguồn vốn từ chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện đã có các chính sách hỗ trợ đối với các đơn vị, các tổ hợp tác, cá nhân có nhu cầu xây dựng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP thường gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc của địa phương với các giá trị truyền thống, đặc trưng của vùng, miền.
Khi tham gia chương trình OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm cả về quy trình sản xuất, chất lượng, bao bì, nhãn mác, kênh phân phối,... đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và giúp quảng bá sản phẩm tốt hơn. Nhờ đó sẽ tạo chuyển biến trong hoạt động sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn.
Đến xã Lộc Đức (huyện Bảo Lâm) không ai không biết đến ông Nguyễn Văn Cậy ở thôn Đức Thanh, là một trong những người đầu tiên trồng sầu riêng ở Đức Thanh.
Ông Cậy chia sẻ, vào năm 2000, khi hầu hết bà con nơi đây vẫn đang trồng chè, trồng cà phê và sầu riêng vẫn đang là đặc sản của miền Tây Nam Bộ thì ông đã mạnh dạn bắt tay thử nghiệm trồng gần 200 gốc sầu riêng Thái Monthon. Thời điểm đó, đầu ra cho trái sầu riêng còn khó, giá lại thấp, tuy nhiên, ông Cậy vẫn quyết tâm thay đổi. Sau 5 năm, nhờ bàn tay chăm sóc tỉ mẩn của ông, những trái sầu riêng đầu tiên được thu hoạch. Điều đáng mừng là những trái sầu riêng đầu tiên này rất ngon ngọt, cơm dày và quan trọng là việc tiêu thụ trên thị trường rất thuận lợi.
Những lứa quả sau, vườn sầu riêng của ông cho năng suất rất cao, trung bình mỗi cây ông Cậy thu hoạch được khoảng 3 tạ quả, tổng cả vườn sầu của ông thu hoạch gần 50 tấn/vụ.
“Tôi chăm sóc vườn sầu riêng theo hướng hữu cơ nên cây cho trái ngon ngọt, đạt chuẩn xuất khẩu. Năm 2023, tôi tham gia xây dựng sản phẩm OCOP trái sầu riêng tươi với thương hiệu Sầu riêng ông Cậy và được huyện Bảo Lâm chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tôi rất vui mừng vì Sầu riêng ông Cậy là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của xã Lộc Đức được chứng nhận sản phẩm OCOP”, ông Cậy cho hay.
Cũng từ đây, sản phẩm Sầu riêng ông Cậy dần có thương hiệu trên thị trường, không chỉ vươn xa ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước khác.
Nhờ có những người “tiên phong” như ông Cậy nên lĩnh vực nông nghiệp của xã những năm gần đây đang có sự phát triển đột phá, phát triển theo hướng hiện đại, có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên năng suất và sản lượng cây trồng được nâng cao; trung bình mỗi năm thu nhập vườn hộ bình quân trong xã đạt 150 triệu đồng/ha. Ngoài cây cà phê, chè…, Lộc Đức đã được người dân trong nước biết đến với sản phẩm sầu riêng.
Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45,73 triệu đồng/năm thì sang năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên đáng kể, đạt 55,6 triệu đồng/năm. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,48%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 4,59%.
Thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Lộc Đức giữ vững xã đạt tiêu chí xã văn hóa nông thôn mới; 9/9 thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa; với mô hình “khu dân cư tiêu biểu”, “khu dân cư kiểu mẫu”, đến nay xã có 7/9 khu dân cư tiêu biểu.
Xã Lộc Đức tiếp tục giữ vững xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với số tiêu chí đạt được 19/19 tiêu chí, đầu năm 2024, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ xã Lộc Đức đã ra Nghị quyết lãnh đạo xây dựng xã nông thôn mới nâng cao năm 2024. Theo đó, xã phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí để đạt xã nông thôn mới nâng cao năm 2024 theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.
Góp phần xây dựng nông thôn mới giàu mạnh
Chương trình OCOP là giải pháp, nhiệm vụ trong việc triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP ra đời nhằm thực hiện bền vững các tiêu chí về sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt khu vực nông thôn. Trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện; đồng thời giúp phát triển sản phẩm chủ lực của từng địa phương.
Xác định được mục tiêu trọng tâm của chương trình OCOP, phát huy tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh sản phẩm OCOP, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện chương trình OCOP sát thực tiễn, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình; các sản phẩm được chứng nhận, không ngừng cải tiến mẫu mã, từ đó thu nhập của doanh nghiệp, hộ dân đã được tăng lên.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, chương trình OCOP đã tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhất là góp phần xây dựng nông thôn mới giàu mạnh.
Các sản phẩm OCOP được chứng nhận, không ngừng cải tiến mẫu mã, từ đó thu nhập của doanh nghiệp, hộ dân đã được tăng lên. Thông qua chương trình OCOP góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương; nhiều sản phẩm OCOP từng bước tham gia thị trường ngoài nước.
Tính đến cuối tháng 5/2024, sản phẩm OCOP của tỉnh tăng nhanh về số lượng và chất lượng với 407 sản phẩm, xếp thứ 15/63 trong cả nước; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tạo sản phẩm OCOP độc đáo kết hợp du lịch canh nông, du lịch cộng đồng, thu hút một lượng du khách rất lớn để khai thác tối ưu tiềm năng kinh tế nông nghiệp, tạo nông nghiệp đa chức năng, đa giá trị cao hơn so với sản xuất nông nghiệp thuần túy.
Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP với bản sắc văn hóa các dân tộc của địa phương như rượu cần, ẩm thực, vật dụng gia đình, dược liệu, đồ trang sức, thổ cẩm… Phát triển thương mại điện tử nằm trong nhóm khá toàn quốc; đã góp phần cho ngành nông nghiệp bắt kịp yêu cầu chuyển đổi số trong nền kinh tế; đa dạng hóa phương thức tiêu thụ nông sản.
Với mục tiêu chung của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống nông dân, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Trong đó, chương trình OCOP là bước phát triển mới, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập bền vững cho người dân ở nông thôn. Đây cũng là mục tiêu của Lâm Đồng trong thời gian qua đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển chương trình OCOP trong toàn tỉnh.