Theo công ty nghiên cứu thị trường uy tín Newzoo, lượng gamer mobile dự kiến sẽ tăng lên tới 1,82 tỷ người nếu tiếp tục giữ được đà tăng trưởng như hiện nay cho tới năm 2017, và rồi lượng game di động được thai nghén sẽ sớm chiếm lĩnh một phần tư trong tổng sản phẩm game được tung ra toàn cầu. Ngoài ra, doanh thu mà nó mang về được ‘tiên tri’ sẽ vượt mốc 41 tỷ USD trong năm 2017, chiếm gần 40% tổng doanh thu. Quả là một miếng bánh hấp dẫn đối với bất cứ nhà phát triển, phát hành game nào.

Động cơ chính khiến ngành công nghiệp game mobile dần có chỗ đứng vững chắc trên thị trường không thể phủ nhận chính là mức độ phủ sóng ngày càng rộng rãi của smartphone, hiển nhiên, chính vì thế mà các nhà phát triển, phát hành game cũng phải hết sức nỗ lực tạo ra các sản phẩm mới mang tính đột phá thì mới có hy vọng chiếm được chút lợi ích từ thị trường này. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều điều cần lưu ý nếu họ thực sự muốn gây được ấn tượng với người tiêu dùng.

Cách tiếp cận người dùng 

Trước hết, mặc dù việc chơi game trên di động cũng đã phần nào chứng minh đây là một ‘hành động’ quá đỗi quen thuộc với bất kỳ ai sử hữu một chiếc smartphone, xếp thứ 2 đằng sau các phương tiện liên kết mạng xã hội nhưng đừng quá phụ thuộc vào điều này mà thiết kế một sản phẩm tiếp cận người dùng một cách ẩu tả. Ví dụ như các banner quảng cáo xuất hiện không đúng lúc, đúng chỗ chẳng hạn – mặc dù đây là một hình thức ‘câu tiền’ chính đáng song phải biết cân nhắc trong khâu thiết kế, tránh để người dùng cảm thấy phản cảm, bức xúc.

Nền tảng, lợi nhuận và tương tác xã hội

Kế tiếp là lựa chọn nền tảng phát triển game mang tính xu hướng cao. Là một game thủ, hẳn bạn sẽ có khá nhiều lựa chọn như game arcade, đua xe, giải đố, hành động, phiêu lưu, chiến lược… Thế nhưng, game MMO mang một chút hơi hướm game PC lại là thể loại được cộng đồng ưa chuộng nhất, như Clash of Clans, Pirate Kings… bởi nó tạo ra khá nhiều mối liên kết giữa những người chơi.

Game MMO ‘nổi’ nhất cũng đồng nghĩa doanh thu mà nền tảng này tạo ra là cao nhất trong lĩnh vực game mobile. Ước tính trong năm 2014, doanh thu game mobile toàn cầu đạt được 25 tỷ USD thì trong đó của riêng game MMO đã là 11 tỷ USD, chiếm 21% doanh thu toàn cầu. Đối với các thị trường mới nổi trên thế giới, smartphone cũng được coi là cách thức cơ bản để người dân phổ cập internet, do vậy, game MMO với tính năng liên kết, xây dựng một ‘xã hội ảo’ được các khu vực này áp dụng triệt để. Theo Superdata Research, trong năm 2014, Châu Á chính là một trong những khu vực như vậy với 4,2 tỷ USD đóng góp vào doanh thu MMO toàn cầu.

Dĩ nhiên, MMO mang tính xã hội khá cao, bởi game thủ đến từ khắp nơi trên thế giới có thể giao lưu, tương tác với nhau mà không cần phương thức phức tạp nào. Điều này thực tế đã phổ biến từ rất lâu trên PC rồi nhưng với smartphone và MMO, điều này còn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết và bạn có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi – khó mà mang được một chiếc PC ra đường chỉ để thỏa mãn thú vui chơi game phải không nào?

Lợi thế từ mô hình Freemium

Hầu hết, các game MMO hiện nay đều đang dần áp dụng phương thức Freemium và đã có khá nhiều trò chơi gặt hái được kết quả ngoài mong đợi (như Heroes Charge, Clash of Clans...). Ước tính, có trên 3,3 tỷ USD doanh thu được hình thành từ phương thức này và Châu Á cũng là một trong những khu vực tận dụng triệt để lợi thế của mô hình kinh doanh này. Nó không đòi hỏi người chơi phải luôn luôn ‘hiến máu’ vào game để đạt được sức mạnh lấn át người khác mà chỉ dành cho những ai có nhu cầu, muốn biến mình trở nên khác biệt. Đó là nguyên nhân chính khiến cộng đồng game thủ đặc biệt ưa thích những trò chơi áp dụng mô hình này bởi nó không có sự phân cấp sai biệt lắm giữa người chơi có tiền và không có tiền.

T.B (GameSao.vn)

Xem thêm video về LMHT, DOTA2 tại http://gosutv.vn