Cũng vì vậy, nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn có sự minh bạch trong việc lựa chọn và giám sát đơn vị cung cấp bữa ăn học đường, để đảm bảo con em được sử dụng thực phẩm an toàn và dinh dưỡng.

Dù đã có các quy định cụ thể về bữa ăn học đường nhưng để đảm bảo an toàn và dinh dưỡng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng thực phẩm, bảo quản, chế biến và giám sát. 

Chỉ một mắt xích không đảm bảo vệ sinh, an toàn có thể gây ảnh hưởng đến cả chuỗi. Ví dụ, việc không tuân thủ mô hình bếp ăn một chiều hoặc nhân viên không đảm bảo vệ sinh có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc.

Thêm vào đó, chi phí cho bữa ăn học đường hiện còn thấp, khoảng 30.000 đồng mỗi suất ăn bán trú. Giá thực phẩm tăng cao cũng làm giảm lượng thức ăn trong bữa ăn của trẻ, trong khi nhu cầu dinh dưỡng của học sinh tiểu học và THCS gần như bằng người lớn.

Nhiều trường học hiện chưa coi trọng việc “nuôi trẻ”, mà chỉ tập trung vào việc “dạy”. Điều này dẫn đến thực đơn đơn điệu, thường chỉ có thịt lợn và một vài loại rau, không đảm bảo đủ dinh dưỡng và không giúp hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. Trong khi đó, trẻ em cần một thực đơn đa dạng để tránh nguy cơ thừa cân, béo phì và tạo thói quen ăn uống tốt trong tương lai. Trên thực tế không phải đơn vị cung cấp suất ăn nào cũng có đủ năng lực về tài chính và năng lực nhân sự để đầu tư nghiên cứu món ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Vừa qua, Viện Y học ứng dụng Việt Nam (thuộc Tổng hội Y học Việt Nam) đã tổ chức hội thảo về “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua bữa ăn học đường của trẻ em” tại Hà Nội, từ đó hợp tác với một số trường để xây dựng bộ thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, cân đối protein, glucid và lipid, chú trọng thực phẩm theo mùa và địa phương, giảm muối và đường.

Thực đơn không nên lặp lại món ăn chính trong vòng 4 tuần, ví dụ thịt lợn chỉ nên xuất hiện tối đa 3 lần/tuần và được chế biến khác nhau. Tuy nhiên, rất ít trường học hiện nay áp dụng các thực đơn này, mà chủ yếu tự đưa ra các thực đơn đơn giản.

ảnh minh họa (5).JPG
Bếp ăn tại một trường tiểu học. Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT cũng từng cho biết, gần 40% trường có bếp ăn tập thể và căng tin chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác tổ chức bữa ăn học đường vẫn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu, thực đơn chưa dựa trên nhu cầu năng lượng của lứa tuổi và nhận thức về vai trò của bữa ăn học đường còn hạn chế. Nhân lực để tổ chức bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm tại trường học vẫn còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, chất lượng bữa ăn học đường không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, còn là trách nhiệm chung của cả phụ huynh và các cơ quan chức năng. Để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cho học sinh, cần có sự hợp tác chặt chẽ và minh bạch giữa các bên liên quan. Việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn học đường sẽ góp phần tạo nên môi trường học tập an toàn và lành mạnh cho học sinh.

Tại Hà Nội, năm học 2024-2025, dự kiến số học sinh đầu cấp của thành phố tiếp tục tăng khoảng 70.000 học sinh (chưa tính học sinh cấp mầm non).

Việc có thêm nhiều trường học mới giúp các trường giảm tải, nhưng cũng đồng thời khiến không ít phụ huynh băn khoăn vì không chỉ môi trường học tập thay đổi mà các nhà cung cấp suất ăn của trường cũng thay mới. 

Một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Đống Đa (quận Đống Đa) cho hay, sau khi trường được tách từ Trường Tiểu học Kim Liên, chị được biết nhà cung cấp suất ăn của trường đã được thay mới. Vị phụ huynh mong mỏi, dù liên kết với nhà cung cấp suất ăn nào, điều quan trọng nhất vẫn là các nhà trường cần quan tâm đến chất lượng bữa ăn thực tế của trẻ.

Vì vậy, vị này bày tỏ mong muốn khi các nhà trường thay đổi nhà cung cấp mới hãy chia sẻ với phụ huynh các thông tin về nhà cung cấp để các bên cùng được biết, thẩm định năng lực thực tế. Nếu năng lực đúng với hồ sơ tuyển chọn, phụ huynh hoàn toàn yên tâm. 

Thực tế, nhiều trường học hiện nay vẫn chưa có quy trình lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn một cách minh bạch và khoa học. Phần lớn các đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học đều nhập nguồn thực phẩm từ bên thứ ba, thứ tư. 

“Chúng tôi, các phụ huynh muốn được tham gia trực tiếp cùng với ban phụ huynh và nhà trường để thẩm định nguồn gốc thực phẩm của đơn vị cung cấp suất ăn trước khi quyết định đơn vị cung cấp. Chúng tôi cũng muốn được trực tiếp giám sát công tác nhận thực phẩm và chế biến tại bếp ăn hàng ngày. Điều này để đảm bảo rằng con em chúng tôi được sử dụng thực phẩm an toàn và dinh dưỡng”, anh Nguyễn Xuân Bách, một phụ huynh sống tại quận Ba Đình (Hà Nội), chia sẻ.