Hành trình tìm việc luôn khiến các ứng viên vừa hào hứng, vừa căng thẳng trong quá trình tiến gần đến công việc mơ ước. Những kỳ vọng về nghề nghiệp và những kỹ năng tích luỹ được của bản thân đều được ứng viên so sánh với mô tả công việc đăng tuyển để đánh giá mức độ phù hợp.

Thử tưởng tượng xem, bạn lướt qua hàng chục mẫu quảng cáo tuyển dụng, bắt gặp một công việc với mô tả “như trong mơ”, bạn hăm hở nhấn nút nộp đơn, tham dự phỏng vấn suôn sẻ và nhận được lời đề nghị làm việc. Bạn như vừa trúng số và cuộc đời “nở hoa” cho đến khi chính thức bước chân vào gia nhập công ty và cảm thấy sao việc mình làm trong thực tế chẳng hề giống như mô tả công việc trước đây! Vị trí của bạn cứ như của ai đó khác bởi lẽ những trách nhiệm của bạn được giao hoàn toàn khác với yêu cầu trước đó và có lẽ khác với cả những kỹ năng mà bạn có thể đáp ứng. Bạn nên làm gì trong lúc này?

Hãy bình tĩnh và trao cho bản thân một cơ hội

Rõ ràng là bạn không vui và rất kém thoải mái rồi. Thế nhưng, hãy khoan nóng vội làm mọi thứ rối ren lên mà đầu tiên là bạn cần bình tĩnh suy xét thật kỹ về công việc hiện tại. Dù gì bạn cũng vẫn là người mới và đang trong quá trình cần học hỏi nên việc có phát sinh thêm nhiều yêu cầu hoặc nhiệm vụ so với mô tả công việc cũng là một cơ hội để bạn phát triển thêm những kỹ năng mới.

Ngoài ra, khi nhận việc chắc hẳn bạn cũng đã đánh giá những tiêu chí khác như môi trường làm việc, chế độ lương thưởng và phúc lợi, chính sách đào tạo. Vậy thì hãy cân nhắc xem liệu những trách nhiệm phát sinh có sự thay đổi so với mô tả công việc có quá lớn không hay vẫn có sự tương đồng, liệu bạn có thể linh hoạt đáp ứng theo nhu cầu của công ty, liệu công ty có đang gặp rắc rối về mặt nhân sự khiến bạn phải tạm thời mở rộng phạm vi công việc và liệu bản thân bạn có thể thử thách bản thân cho đến hết giai đoạn thử việc hay không?

Yêu cầu một buổi thảo luận cùng người quản lý trực tiếp và bộ phận nhân sự

Trong khi tự ổn thoả tinh thần của mình, bạn vẫn rất nên yêu cầu một buổi thảo luận thẳng thắn cùng người quản lý trực tiếp và bộ phận nhân sự. Những mô tả công việc không chỉ đơn thuần được viết ra cho mục đích tuyển dụng mà đó còn được xem như một danh sách các KPI mong đợi từ công ty dành cho nhân viên nhằm đảm bảo công việc và trách nhiệm của từng người sẽ không bị bỏ sót, và từ đó có được thước đo và các tiêu chí xét duyệt tăng lương hoặc tăng chức đúng mức cho các cá nhân trong mỗi kỳ đánh giá.

{keywords}
 

Vì vậy nếu bạn cứ âm thầm chấp nhận việc phải làm những việc không đúng với mô tả công việc, bạn có thể sẽ phải chịu những đánh giá không chính xác về sau bởi thước đo hiệu quả công việc và những yêu cầu về vị trí của bạn giờ đây đã bị thay đổi.

Việc sắp xếp thảo luận lại với người quản lý trực tiếp sẽ giúp bạn làm rõ yêu cầu thực tế đối với trách nhiệm của bạn trong công ty và trong các dự án, đồng thời một buổi trao đổi với bộ phận nhân sự sẽ giúp bạn đưa ra một thoả thuận thống nhất và chính thức về chức danh cùng vai trò của bạn trong thực tế.

Xem xét liệu có những vị trí khác phù hợp với bạn hơn

Nếu những buổi thảo luận vẫn không làm tình hình khá hơn và giúp bạn thay đổi mọi trách nhiệm về đúng như bản mô tả công việc, bạn hãy xem thử liệu có phòng ban nào khác mà bạn thấy sẽ phù hợp với bạn hơn và giúp bạn phát huy tốt hơn những kỹ năng và kinh nghiệm của mình hay không. Nếu có, hãy đề nghị cùng bộ phận nhân sự một cơ hội luân chuyển nội bộ. Nếu không, bạn sẽ cần có một bước đi tiếp theo.

Chuẩn bị phương án dự phòng

Quyết định rời bỏ một công việc tưởng chừng như mơ ước sẽ không phải là một ý nghĩ dễ nuốt trôi nhưng cũng sẽ chẳng vui vẻ gì nếu bạn đang đi chệch khỏi quỹ đạo của sự nghiệp như mình mong muốn. Khi tâm trạng không thoải mái, bạn sẽ rất khó để tập trung làm việc, luôn cau có, bực dọc và tự hạn chế con đường phát triển của mình. Vì vậy, hãy chuẩn bị phương án dự phòng! Đừng từ bỏ và hãy tiếp tục tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp khác. Đôi khi, chúng ta cũng cần học cách khép lại một cánh cửa nơi không thuộc về mình để mở ra những cánh cửa đến nhiều vùng đất mới.

{keywords}
 

Cuộc sống luôn có nhiều thách thức và việc trải qua những giai đoạn không mấy dễ chịu trong sự nghiệp không hẳn sẽ là vật cản khiến bạn chùn chân mà ngược lại sẽ mang đến cho bạn nhiều kinh nghiệm hơn, nhiều bản lĩnh hơn. CareerBuilder.vn chúc bạn luôn có được những mục tiêu nghề nghiệp thật rõ ràng và giành được những cơ hội việc làm xứng tầm nhất.

(Nguồn: CareerBuilder)

Ảnh: Internet