Kính gửi chị Hạnh Dung! Em 30 tuổi, hiện em đang quen một người nhỏ hơn em ba tuổi.
Em cũng muốn tiến tới hôn nhân, vì cảm nhận anh ấy rất tốt và thương em, quan tâm rất nhiều đến cuộc sống của em. Em rất hạnh phúc và chúng em đã bàn bạc về việc này nhiều lần. Gần đây, những khi gặp nhau, anh ấy muốn gần gũi vượt quá giới hạn; em thì không muốn, vì trước đó em cũng đã có lần tin tưởng trao đời con gái cho người ta rồi chuyện không thành.
Dù em không còn nguyên vẹn nhưng không phải vì vậy mà không cố gắng giữ mình. Em hiện đang ở nhà trọ, nên không có điều kiện để tránh né hay nhờ vả người lớn. Em đã cố gắng giải thích và xin anh để dành cho ngày cưới. Anh ấy cũng chấp nhận, nhưng sau đó anh ấy nói mỗi lần gần em thì khó kiểm soát bản thân nên bây giờ anh muốn ngừng gặp nhau một thời gian để tự điều chỉnh lại tâm lý. Chị ơi em phải làm sao để không mất người yêu mà vẫn không đi quá giới hạn cho phép?
Hồng Linh (TP.HCM)
Em Hồng Linh thân mến,
Hạnh Dung ủng hộ quyết tâm giữ mình của em, và mong lòng em được yên ổn, thanh thản với quyết định ấy, cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa. Mình không thể lấy chuyện gần gũi, vượt giới hạn ra để đánh đổi cho một điều gì, nhất là điều đó lại chính là cuộc sống hôn nhân lâu dài, cần tình yêu chân thành và sự tôn trọng lẫn nhau.
Có thể người ta xa em, nói lý do là “cần một thời gian để điều chỉnh tâm lý”, nhưng cũng đừng quan trọng việc lý do này đúng hay sai. Hãy nhìn vào thực tế: dù đã nói chuyện, bàn bạc với nhau nghiêm túc về hôn nhân, nhưng khi mình không đồng ý trao thân, người ta kiếm một lý do để ngừng không gặp mình nữa.
Vậy, khả năng thứ nhất là: tình yêu chưa đủ mãnh liệt để kéo người ta gần lại với mình – vì những kẻ yêu nhau hiếm khi nào chịu một ngày không gặp mặt người mình thương mình nhớ. Hoặc khả năng thứ hai xấu hơn: người ta không thực lòng muốn tiến tới hôn nhân, chỉ muốn gần gũi, muốn xác thịt. Câu chuyện hôn nhân chỉ là lời dụ dỗ cho mình nương theo đó mà chiều lòng người ta trong những chuyện khác. Giờ chuyện khác không được, thì người ta cũng ngưng luôn chuyện tiến tới với mình.
Sự chênh lệch về tuổi tác có thể là một điều cần lưu tâm. Trong những vấn đề hôn nhân gia đình, phụ nữ thường chững chạc hơn, nghĩ xa hơn, và cũng hay cố gắng theo kiểu ráng “vo cho tròn” mọi chuyện. Chính vậy nên em lo lắng không biết làm sao để giữ người. Trong khi đó, ở độ tuổi như bạn trai của em, thêm nữa là ít tuổi hơn em, có thể anh ấy vẫn còn bồng bột, ưa bay nhảy, muốn nếm trải mọi chuyện ở đời hơn là nghĩ tới việc lập một gia đình ổn định và hạnh phúc dài lâu.
Thôi mình cứ nghĩ nếu người ta yêu thương mình thật lòng, người ta có thể đợi được; còn nếu người ta chỉ muốn ăn chơi qua đường, mình dứt khoát không phải là hàng quán hay món đồ ăn lót dạ để người ta thử nếm rồi đi. Em nên vui vẻ, bình thường, dịu dàng chấp nhận thời gian anh ấy cần xa em ra để “điều chỉnh tâm lý”.
Nếu sau khi “điều chỉnh” mà trở lại với nhau, chấp nhận những ràng buộc của hôn nhân, cả hai sẽ vững lòng và trọn vẹn tin yêu để đi tiếp cùng một con đường, nếu không thì thôi. Bây giờ đưa thứ gì ra để đổi cũng là dại dột, cũng là không tương xứng, em đừng vội vàng. Chúc em vượt qua được cánh cửa này, để tìm đúng cho mình ngôi nhà hạnh phúc.
(Theo HẠNH DUNG/PNO)