Rò rỉ dữ liệu cá nhân đang ngày càng phổ biết, nhất là khi người dùng buộc phải cung cấp thông tin cho bên thứ 3. Hacker thường tấn công vào bên thứ 3 này để lấy lượng dữ liệu khổng lồ. Mới đây, 1.300GB dữ liệu cá nhân tại Việt Nam bị rao bán, và 10.000 dữ liệu người dùng được rao trên diễn đàn hacker. Tuy vậy, các vụ rò rỉ dữ liệu không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà trên toàn cầu.

{keywords}
Thông tin cá nhân bị rao bán trên diễn đàn. (Ảnh: Trọng Đạt)

Nắm trong tay thông tin bị rò rỉ, các hacker có thể mạo danh nạn nhân hoặc đánh lừa nạn nhân tiết lộ các thông tin đăng nhập nhạy cảm, do đó, việc người dùng lo ngại khi đối mặt với nguy cơ rò rỉ dữ liệu là điều dễ hiểu. 

Về vấn đề này, Kaspersky cho rằng người dùng phải nhanh chóng hành động nếu phát hiện thông tin cá nhân bị rò rỉ. Việc một tài khoản bị rò rỉ thông tin cũng có thể khiến các tài khoản khác gặp rủi ro, nhất là khi mật khẩu được chia sẻ hoặc các tài khoản thường xuyên giao dịch với nhau. 

Trường hợp thông tin chứng minh nhân dân bị rò rỉ, tuỳ theo quy định từng quốc gia mà bạn nên điều chỉnh cho phù hợp. Kaspersky đánh giá thông tin này thậm chí quan trọng hơn thông tin thẻ tín dụng, vì thẻ tín dụng có thể khoá và thay đổi số thẻ, trong khi thông tin trên chứng minh nhân dân khó thay đổi hơn.

Nếu rò rỉ thông tin tài chính, phải thông báo cho ngân hàng và tổ chức tài chính, thay đổi mật khẩu tất cả các tài khoản, bao gồm cả câu hỏi bảo mật và mã PIN. Bạn cũng nên cân nhắc việc khóa tín dụng. 

Nên theo dõi các tài khoản ngân hàng, nếu thấy các giao dịch mà bạn nghi ngờ, lập tức kiểm tra và thông báo cho ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng.

Có nhiều phương thức lừa đảo khi hacker có thông tin khách hàng. Ví dụ, nếu một tên tội phạm truy cập được vào tài khoản của một khách sạn, ngay cả khi không có dữ liệu tài chính, hắn vẫn có thể gọi cho khách hàng hỏi ý kiến phản hồi về lần cư trú gần đây của họ. Sau khi thiết lập mối quan hệ đáng tin cậy sau cuộc gọi, hắn ta có thể đề xuất việc hoàn lại các khoản phí khác nhau và yêu cầu số thẻ của khách hàng nhằm thực hiện giao dịch. Nếu bị thuyết phục, hầu hết khách hàng sẽ không suy nghĩ kỹ về việc cung cấp những thông tin đó. 

Công ty bảo mật thừa nhận rằng không ai có thể miễn nhiễm với rò rỉ dữ liệu khi bên thứ 3 bị tấn công. Tuy nhiên người dùng càng cảnh giác càng ít tổn hại. Hãy bảo mật chặt chẽ cho kết nối mạng và dữ liệu cá nhân để hacker không có bất kỳ cơ hội nào xâm nhập vào ngôi nhà của bạn, dù qua cửa sổ hay cửa chính.  

Một số biện pháp người dùng nên thực hiện nhằm giảm thiểu rủi ro bị rò rỉ dữ liệu: sử dụng mật khẩu mạnh, mật khẩu khác nhau cho tài khoản khác nhau và thay đổi mật khẩu thường xuyên.

Ngoài ra, hãy sao lưu các tập tin đề phòng dữ liệu bị đánh cắp hay bị mã hoá đòi tiền chuộc. Cần bảo vệ máy tính và các thiết bị khác bằng phần mềm bảo mật. Song song đó, cẩn thận khi nhấp vào các đường link.

Thường xuyên theo dõi bảng sao kê ngân hàng và báo cáo tín dụng. Vì dữ liệu bị đánh cắp có thể xuất hiện trên web đen vài năm sau khi dữ liệu gốc bị xâm phạm. Điều này có nghĩa là một vụ đánh cắp danh tính đã xảy ra rất lâu sau khi bạn quên mất việc dữ liệu đã từng bị rò rỉ.  

Cần hiểu giá trị thông tin cá nhân của bạn để không cung cấp bừa bãi. Chẳng hạn, vì sao một tạp chí kinh doanh lại cần ngày sinh chính xác của bạn? Nên hãy thật cảnh giác khi cung cấp thông tin. 

Hải Đăng

Bộ Công an phá đường dây mua bán hàng tỷ dữ liệu cá nhân

Bộ Công an phá đường dây mua bán hàng tỷ dữ liệu cá nhân

Chiếm đoạt, mua bán trái phép gần 1.300 GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc, Lại Thị Phương cùng chồng bị khởi tố.