Lời toà soạn: Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thể hiện rõ nét khi GDP quý II đạt gần 7%, đưa GDP nửa đầu năm đạt mức tăng 6,42%. Góp chung vào quá trình phục hồi đó là sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều địa phương, trong đó có câu chuyện bứt phá của Khánh Hoà sau 2 năm lao đao vì Covid-19. Những thay đổi về tư duy và hành động, cùng khả năng nắm bắt xu hướng 'xanh' đã tạo nên con số tăng trưởng đi cùng nhiều điều mới mẻ của địa phương này. Tuyến bài "Khánh Hoà làm mới các động lực tăng trưởng" được VietNamNet thực hiện mô tả hành trình vượt khó vươn lên và đón đầu xu thế của địa phương này. |
Bài 1: Cách Khánh Hoà trở lại đường đua, lọt nhóm tăng trưởng dẫn đầu cả nước
Bài 2: Giữa khơi xa nuôi biển công nghệ cao, ngư dân Khánh Hòa thu tiền tỷ
Sự kỳ diệu của rong nho
Dẫn du khách vào thăm quan khu bể sục làm sạch rong nho trước khi đưa vào chế biến sâu thành nhiều sản phẩm khác nhau, ông Nguyễn Quang Duy - Tổng giám đốc DT Group (Nha Trang, Khánh Hoà) - hào hứng giới thiệu những chuỗi rong nho căng bóng như “trứng cá hồi xanh” của Nhật Bản, một loại “siêu thực phẩm” tốt cho sức khoẻ người dùng.
Vớt chuỗi rong nho tươi từ bể sục lên rồi ăn trực tiếp, ông Duy nói thêm, rong giòn tan, là sản phẩm siêu sạch, không dùng bất cứ hoá chất nào khi trồng và chế biến. Đặc biệt, bản thân cây rong nho còn góp phần tái tạo môi trường ở những vùng chúng được nuôi trồng.
“Rong nho biển trồng tới đâu, hệ sinh thái tốt tới đó. Loại tảo biển này còn có thể làm sạch môi trường nước bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, nhất là ở các khu vực nuôi tôm công nghiệp. Thế nên, cây rong nho rớt xuống nước tới đâu môi trường biển được làm sạch đến đó”, ông cho hay.
Cũng vì sự kỳ diệu của cây rong nho mà hơn chục năm trước, ông Duy quyết định từ bỏ công việc quản lý dược phẩm cho một công ty ở TP. Nha Trang để theo đuổi “giấc mơ rong nho” khi nhìn ra được tiềm năng nuôi trồng rất lớn ở vùng biển Khánh Hoà và khu vực duyên hải miền Trung.
Năm 2012, ông Duy đầu tư trồng thử nghiệm 30.000m2 rong nho tại xã Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hoà). Đồng thời, liên kết với nhiều đơn vị khác để vừa làm, vừa tiếp cận nhằm tìm ra công thức chuẩn cho nuôi trồng và chế biến. Sau thử nghiệm, rong đạt sản lượng khoảng 2,5 tấn/ha - khá thấp so với kỳ vọng của ông.
Những lứa rong nho đầu tiên được thu hoạch, ông mang tặng người thân, hàng xóm. Mọi người sử dụng thấy ngon, rồi truyền tai nhau, ông bắt đầu có khách dù số lượng bán ra không nhiều.
Cứ như vậy, diện tích nuôi trồng từng bước được mở rộng, năng suất cũng tăng theo. Ngoài vùng trồng của doanh nghiệp, ông còn liên kết với nhiều hộ nông dân tại địa phương.
Tuy nhiên, điều ông không hình dung được là trồng ở quy mô lớn, trong khi người tiêu dùng chưa biết nhiều về sản phẩm này khiến đầu ra rong nho gặp khó, lượng hàng tồn nhiều.
Sau nhiều đêm trăn trở, ông nhận ra việc chế biến, tiếp cận và đưa sản phẩm ra thị trường là điều vô cùng quan trọng. Cứ thế, ông đi nhiều nơi trong nước, sang Mỹ, Nhật Bản tìm kiếm thị trường, học công nghệ chế biến rong nho thành các sản phẩm tiện lợi, phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Thị trường Nhật Bản vô cùng tiềm năng với sản phẩm rong nho. Giá bán rong nho tươi ở Nhật cũng rất cao. Ông Duy ký được một số hợp đồng với đối tác Nhật để xuất khẩu hàng sang thị trường này.
Thế nhưng, do công nghệ bảo quản chưa tốt nên nhiều lô rong nho vận chuyển sang Nhật Bản bị hư hỏng, thiệt hại lớn.
“Rong hư hỏng bị trả lại, có lô thiệt hại vài trăm triệu, nhưng cũng có lô giá trị lên tới cả tỷ đồng”, ông nhớ lại.
8 năm ròng vừa làm, vừa nghiên cứu để thay đổi công nghệ trong chế biến và bảo quản, ông liên tục thất bại. Nhiều mảnh đất, căn nhà bị bán đi, thậm chí ông Duy còn vay rất nhiều tiền của ngân hàng để trang trải chi phí kinh doanh, nợ nần.
Song, ông tiếp tục kiên trì, quyết không từ bỏ giấc mơ rong nho và cuối cùng đã thành công.
Cầm trên tay túi rong nho tách nước khá nhỏ gọn, ông Duy cho biết, rong được đóng vào túi không hề có chất bảo quản, dung dịch bên trong là nước muối 100%. Sản phẩm để ở nhiệt độ từ 28-32 độ C, bảo quản được 6 tháng.
Khắc phục được tình trạng hư hỏng do thời gian vận chuyển lâu, cánh cửa cũng mở rộng khi Nhật Bản - “cha đẻ” của loại thực phẩm này - công nhận chất lượng vượt trội của rong nho Khánh Hòa và bắt đầu nhập khẩu hàng trăm tấn mỗi năm.
Thành công với rong nho tách nước, ông tiếp tục cùng mọi người nghiên cứu chế biến ra hàng chục sản phẩm thực phẩm làm từ rong nho và đang hướng tới chiết xuất nguyên liệu làm mỹ phẩm.
Hiện trung bình mỗi ngày, chuỗi liên kết của DT Group thu hoạch 7 tấn rong, mỗi tháng xuất bán 30 tấn ra thị trường nội địa và gần 40 tấn rong nho các loại sang Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Úc... tương đương khoảng 2.500 tấn/năm. Doanh thu một năm khoảng 50 tỷ đồng.
Tạo dựng hệ sinh thái xanh từ ao đìa
Sau 14 năm, từ xuất phát điểm 3ha với sản lượng chỉ 2,5 tấn/ha nuôi thử nghiệm, ông Nguyễn Quang Duy đã phát triển vùng rong nho liên kết của doanh nghiệp lên tới 85ha ở các vùng ao đìa tại Ninh Hòa, Cam Ranh (Khánh Hòa) và cả Ninh Thuận, Phú Yên... Ông dự kiến liên kết trồng thêm 80ha trong thời gian tới.
“Tôi quan niệm lấy của tự nhiên cái gì thì phải trả lại tự nhiên cái đó”, ông nói. Thế nên, với cây rong nho, ông Duy đã tạo dựng ra hệ sinh thái xanh từ nuôi trồng cho tới chế biến.
Rong nho được nuôi ở các ao đìa theo tiêu chuẩn sạch, giúp cải tạo môi trường nước. Người nông dân thu hái thủ công rong tươi rồi đưa vào nhà máy ở Nha Trang sục trong bể từ 3-5 ngày để làm sạch một lần nữa trước khi đưa vào chế biến. Toàn bộ quá trình sản xuất đều không dùng bất cứ hoá chất nào.
Nhà máy sản xuất rong nho cũng theo quy trình xanh. Trong đó, hệ thống năng lượng mặt trời tạo ra nguồn điện sạch phục vụ sản xuất, các sản phẩm bao bì cũng là vật liệu thân thiện môi trường. Ông tự tin, chuỗi sản xuất rong nho của mình được “xanh hoá” hoàn toàn, không có phát thải khí nhà kính.
Thế nên, ngoài các tiêu chuẩn đã đạt như HACCP, ISO, FDA... công ty đang làm chứng nhận vùng nuôi sạch và không có tác động hoá chất. Đồng thời, làm thêm chứng chỉ xanh, sản xuất sạch để tới đây có thể dán nhãn xanh cho các sản phẩm rong nho.
Điều quan trọng hơn, từ hệ sinh thái xanh mà ông tạo dựng đã giúp nhiều hộ nông dân ở Khánh Hoà nuôi rong nho liên kết thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Ông Duy nhẩm tính, trung bình một ao đìa nuôi rong có diện tích khoảng 5.000m2. Sau khi thu hoạch rong nho bán cho công ty, hộ nông dân lãi 15 triệu đồng/ao/tháng. Một năm nuôi rong nho được 9 tháng, tính ra bà con nông dân có thể thu lợi nhuận 135 triệu đồng/ao.
Trong chuỗi liên kết nuôi rong nho với DT Group, hộ nông dân nuôi ít có khoảng 3 ao đìa, hộ nuôi nhiều lên đến 7-8 ao đìa. Theo đó, với hộ nuôi quy mô nhỏ, một năm có thể thu lãi vài trăm triệu đồng, hộ nuôi quy mô lớn cho thu nhập tiền tỷ.
“Chúng tôi đang làm các dự án nhỏ để ngoài thu mua rong nho loại 1-2 như trước, có thể mua thêm rong nho loại 3-4 đưa vào chế biến sâu. Như thế, với người nông dân sẽ rất có lợi vì mỗi ao thu thêm đồng 5 triệu đồng tiền lãi một tháng”, ông cho hay.
Ông Nguyễn Quang Duy quan niệm, việc tạo ra sản phẩm, bán được nhiều hàng là điều cần chứ chưa phải đủ. Ông muốn hướng tới sự cân bằng, vừa bán được hàng, vừa giúp người dân làm giàu và cũng phải bảo vệ môi trường. Theo ông, khi mọi thứ được cân bằng, có sự hài hoà thì đó là đủ.