Vào đêm bác sĩ Lý Văn Lượng trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Trung ương Vũ Hán, Li An, một cựu nhân viên ByteDance cũng như nhiều người dùng Internet Trung Quốc liên tục cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe của anh.
Bác sĩ Lý là người đầu tiên lên tiếng cảnh bảo về bệnh dịch, nhưng lại bị ngăn cản nói ra sự thật. Sáng ngày 7/2/2020, ông qua đời vì Covid-19. Li và cộng đồng mạng Trung Quốc bị xóa tài khoản khi bày tỏ lòng tiếc thương lẫn phẫn nộ trên Weibo.
"Tôi thấy tội lỗi nhiều hơn bực tức. Vào lúc đó, tôi là nhân viên phát triển công cụ kiểm duyệt nội dung cho ByteDance. Nói cách khác, tôi đã giúp tạo dựng hệ thống kiểm duyệt các tài khoản như của tôi, tự chôn mình trong ngôi mộ ảo dần mở rộng tại đất nước này", Li nói với Protocol.
Sáng ngày 7/2/2020, bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời vì Covid-19. Ảnh: BBC. |
Công ty đi trên dây
Weibo không gửi yêu cầu rõ ràng về việc xóa các bài đăng, tài khoản liên quan đến bác sĩ Lý. Đây cũng không phải mạng xã hội duy nhất hành xử như thế. "Tôi biết rõ đội ngũ ở ByteDance đã dùng thuật toán do tôi góp công tạo ra để kiểm duyệt nội dung. Mỗi ngày trôi qua, tôi lại càng thấy bản thân như mắt xích trong bộ máy tàn nhẫn", Li chia sẻ..
ByteDance là công ty mẹ của Douyin, cũng là kỳ lân công nghệ nổi tiếng Trung Quốc. Vào năm ngoái, khi vướng nghi vấn chia sẻ dữ liệu với chính quyền Bắc Kinh, ByteDance đã chặn quyền truy cập của kỹ sư trong nước với các sản phẩm quốc tế, bao gồm cả TikTok.
TikTok khi đó thông báo kế hoạch mở hai “trung tâm minh bạch” tại Mỹ, công khai các phương pháp kiểm duyệt nội dung với nhà chức trách. Tuy nhiên, tại quê nhà, công việc kiểm duyệt chủ yếu vẫn ở trong bóng tối.
"Tôi làm việc tại bộ phận dữ liệu chính của ByteDance. Kể từ đầu 2020, công nghệ chúng tôi tạo ra đã hỗ trợ việc kiểm duyệt nội dung của toàn bộ công ty trong và ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, ByteDance còn tuyển thêm khoảng 20.000 người giám sát nội dung trong nước", Li nói.
Khi còn làm việc tại đó, nhóm của Li từng nhận được nhiều yêu cầu tạo thuật toán phát hiện tài khoản đang nói tiếng Tân Cương và ngắt livestream ngay lập tức. Rốt cuộc, không có thuật toán nào được tạo vì chúng tôi không đủ dữ liệu về tiếng Tân Cương.
Những nội dung liên quan đến chính trị chỉ chiếm phần nhỏ trong số các bài đăng bị xóa. Cư dân mạng tại đây biết tự kiểm duyệt chính họ, những gì được nói và những gì không.
Douyin chủ yếu là nền tảng giải trí. Công ty kiểm duyệt những nội dung chính phủ cho rằng vi phạm thuần phong mỹ tục như khiêu dâm, ảnh khỏa thân, hình ảnh phản cảm, chửi tục, livestream trái phép và vi phạm bản quyền.
Chính trị luôn là chủ đề nhạy cảm. Các mạng xã hội Trung Quốc lo ngại nhất việc không thể xóa hết nội dung nhạy cảm, dẫn đến bị chính phủ giám sát chặt chẽ hơn. Đó là vấn đề mang tính sống còn.
Đôi khi hệ thống kiểm duyệt của ByteDance bị trục trặc. "Dù chỉ trong vài phút, chúng tôi cũng lo lắng không biết có bất cứ video nào liên quan chính trị được tải lên lúc đó hay không. ByteDance vẫn là kỳ lân trẻ tuổi, không có quan hệ chặt chẽ với nhà nước. Công ty do đó như luôn đi trên dây", Li chia sẻ.
Cuộc khủng hoảng ngầm
Nhìn chung, kiểm duyệt góp phần giúp công ty thành công về mặt thương mại. Không nhiều nơi có hẳn đội ngũ giám sát nội dung riêng như ByteDance.
Thông thường, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc sẽ ban hành chỉ thị cho trung tâm chất lượng nội dung của ByteDance. Đôi lúc, công ty nhận hơn 100 chỉ thị mỗi ngày. Sau đó, trung tâm sẽ giao nhiệm vụ cho từng nhóm, rà soát nội dung hiện tại lẫn trong quá khứ.
Khi có livestream, âm thanh tự động chuyển thành văn bản để thuật toán tìm các từ ngữ vi phạm. Thuật toán phân tích sau đó xem xét có nên yêu cầu giám sát tài khoản cụ thể hay không.
Nếu người dùng nhắc từ nhạy cảm, kiểm duyệt viên sẽ nhận được video clip gốc và ghi chú thời gian từ đó được nói. Nếu người kiểm duyệt cho rằng nội dung nhạy cảm hoặc không phù hợp, họ sẽ cắt livestream, tạm khóa hoặc xóa tài khoản.
"Tôi và đồng nghiệp không trực tiếp gặp trung tâm quản lý hay người kiểm duyệt. Sau những sự kiện lớn sẽ có cuộc họp đánh giá hiệu quả. Khi đó, chúng tôi mới có mặt để xem có thể làm gì nhằm cải thiện hoạt động kiểm duyệt", Li nói.
Không nhiều nơi có hẳn đội dành giám sát nội dung riêng như ByteDance. Ảnh: Tech Up. |
Vai trò của đội ngũ kiểm duyệt là đảm bảo người kiểm duyệt tìm thấy "nội dung độc hại và nguy hiểm" càng sớm càng tốt, một công việc như mò kim đáy biển. Ngoài ra, còn phải nâng cao hiệu quả hơn, tức chỉ sử dụng ít người để phát hiện nhiều nội dung vi phạm nguyên tắc cộng đồng của ByteDance.
"Đây không phải loại công việc tôi sẽ tự hào kể với bạn bè và gia đình. Khi họ hỏi tôi làm gì ở ByteDance, tôi thường nói rằng mình là người xóa các bài đăng", Li cho biết.
Công cụ được tạo ra có thể giúp chặn tin giả. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, chức năng chính của nó vẫn là kiểm duyệt tin, đôi khi xóa tất cả thông tin liên quan những sự kiện nhạy cảm. Nhưng chức năng này hiếm khi được sử dụng.
Bác sĩ Lý đã cảnh báo đồng nghiệp, bạn bè về một loại virus không xác định đang xâm nhập vào các bệnh viện ở Vũ Hán. Đáp lại, những gì anh nhận là những lời khiển trách. "Trong nhiều tuần liền, chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Chính quyền đã che đậy độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng", Li nói.
Theo Zing/Protocol
TikTok chi 92 triệu USD để dàn xếp bê bối thu thập thông tin người dùng
Hãng phần mềm Trung Quốc ByteDance, "cha đẻ" của TikTok, đã chấp nhận chi ra 92 triệu USD để dàn xếp vụ kiện tập thể nhằm vào TikTok, cáo buộc ứng dụng này thu thập thông tin người dùng vị thành niên.