- Sáng nay, khi tôi đang đi song song với một xe ô tô 7 chỗ thì xe máy bên cạnh tôi bất ngờ đổ vào người tôi. Do xe họ quá nặng, tôi không thể chống đỡ được nên cả xe tôi đã đổ theo vào xe ô tô 7 chỗ gây móp. Người chủ xe ô tô bắt tôi phải đền trong khi lỗi là do người bên cạnh tôi gây ra. Trong trường hợp này theo luật tôi có phải đền không hay như thế nào. Xin luật sư tư vấn giùm tôi. 

Xe gắn máy, mô tô, ô tô… gọi chung là phương tiện giao thông vận tải cơ giới được định nghĩa pháp lý là nguồn nguy hiểm cao độ.

Khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng nói chung, nguyên tắc đảm bảo yếu tố lỗi trong BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đã được loại trừ, có nghĩa chỉ cần xác định có hậu quả thực tế xảy ra; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; xác định được chủ thể có nghĩa vụ bồi thường, là xác lập được quan hệ BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Điều quan trọng, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015.

{keywords}
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới […]

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. […]”

Như vậy, trường hợp chủ xe 7 chỗ chứng minh được có thiệt hại xảy ra do xe của bạn tác động vào và người đó hoàn toàn không có lỗi trong việc xảy ra thiệt hại, không phải trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì bạn sẽ phải bồi thường thiệt hại đó cho chủ xe.

Vấn đề xe khác đổ vào xe bạn thì bạn sẽ giải quyết với chủ xe đổ vào xe bạn trong một trường hợp riêng biệt. Tức bạn có thể yêu cầu chủ xe đổ vào xe bạn bồi thường thiệt hại cho bạn.

Luật sư Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật 

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc