Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đường biên giới dài 240 km, tiếp giáp với Campuchia, và là tỉnh có 3 cửa khẩu quốc tế gồm Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam; 3 cửa khẩu quốc gia là Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân và 10 cửa khẩu phụ; trong đó cửa khẩu quốc tế Mộc Bài là một trong những cửa khẩu được Tây Ninh kỳ vọng trở thành trung tâm thương mại mang tầm quốc gia, quốc tế.

Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài và Xa Mát được xác định là các cực tăng trưởng trọng điểm trên hành lang phát triển phía Tây Bắc, dọc QL.22 – QL.22B của vùng Thành phố Hồ Chí Minh. 

Đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được thành lập theo Quyết định số 210/1998/QĐ-TTg, ngày 27/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ, có diện tích trên 21.284 ha, nằm trên địa giới hành chính của 6 xã và 1 thị trấn thuộc 2 huyện Bến Cầu, thị xã Trảng Bàng (4 xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh và thị trấn Bến Cầu thuộc huyện Bến Cầu và 2 xã Phước Bình, Phước Chỉ thuộc thị xã Trảng Bàng).

mocbai.png
Một góc cửa khẩu Mộc Bài

Trong 20 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã đạt được một số kết quả quan trọng, cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và du khách; đóng góp một phần cho ngân sách nhà nước để góp phần ổn định trong cân đối ngân sách. Đặc biệt những năm đầu khi thực hiện chính sách miễn thuế tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tình hình hoạt động tại đây rất sôi động, thu hút được nhiều du khách đến tham quan, mua sắm; nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu đầu tư và đăng ký thực hiện dự án.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là từ khi thay đổi về cơ chế, chính sách về đầu tư, thương mại khiến cho khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát có những bước "thăng trầm", dần mất đi động lực phát triển. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 26 khu kinh tế cửa khẩu, trừ 3 cửa khẩu phát huy rất tốt là Lạng Sơn, Móng Cái và Lào Cai, còn lại phần lớn các cửa khẩu chưa phát huy được tiềm năng; trong đó có Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài của Tây Ninh.

Điều đáng nói, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là một trong những khu kinh tế cửa khẩu đặc biệt, có vị trí rất quan trọng, thuận lợi về nhiều mặt, nhất là trong kết nối vùng Đông Nam Bộ nói riêng và quốc gia với các nước ASEAN thông qua tuyến đường Xuyên Á.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài còn là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng lựa chọn để tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 để phát triển thành trung tâm thương mại quốc tế.

Và được trung ương quan tâm đưa vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030 về phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.

Nhìn nhận vị trí chiến lược của khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là mở rộng không gian phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

"Mộc Bài là một sự lựa chọn phù hợp. Mộc Bài với quy mô 21,284 ha có đủ dư địa để đón nhận dòng dịch chuyển công nghiệp lớn", ông Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Để làm “sống lại” Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, vừa qua Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức hội thảo khoa học quan điểm, định hướng giải pháp phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị-công nghiệp-dịch vụ cửa khẩu xanh bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định sự cần thiết để khởi động lại Khu kinh tế cửa khẩu là một trong những vấn đề để cụ thể hóa Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; trong đó, nhấn mạnh vai trò của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Cùng đó, đề xuất hướng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo một tư duy mới theo hướng đô thị-công nghiệp-dịch vụ cửa khẩu xanh bền vững.

Tây Ninh cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, cho bổ sung nội dung liên quan đến quy hoạch thúc đẩy phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài vào nội dung trọng điểm chỉ đạo điều phối của Hội đồng điều phối vùng cũng như của Chính phủ.

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV