Ngày 18/6, hội thảo 55 năm ngày Bác đi xa - 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024) diễn ra tại Phủ Chủ tịch.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho đất nước, nhân dân một di sản văn hóa vô giá - khu di tích về Người tại Phủ Chủ tịch. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc 15 năm cuối đời (1954 - 1969). 

Sau khi Bác qua đời, ngày 2/9/1969, quần thể di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch, có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trải qua bao biến động lịch sử, chiến tranh ác liệt, di sản nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch luôn được bảo vệ an toàn, chu đáo. Ngày 12/8/2009, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt đợt đầu tiên.

Bà Lê Thị Phượng, Giám đốc khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, tất cả tài liệu, hiện vật của Bác đang được bảo tồn nguyên vẹn như sinh thời Người sống và làm việc.  

Vì thế, hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh; tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của thế hệ đi trước, các đơn vị quản lý, nhà khoa học để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá quốc gia đặc biệt; để tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng lan toả mạnh mẽ.

chutichhcm.jpeg
Tượng Bác Hồ ngồi làm việc trong vườn hoa tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: BTC

Theo GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, giá trị di sản của Bác trong khu di tích được thể hiện ở dấu ấn cuộc đời hoạt động cách mạng sinh động; tư tưởng cách mạng, phong cách sống hài hòa với thiên nhiên, lối sống giản dị, cao quý. 

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là "ngôi đền thiêng", hội tụ, lan toả tấm gương về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Theo ông Trụ, được làm việc trong khu di tích là vinh dự lớn đối với cán bộ, nhân viên.

Vì thế, theo Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nên xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể trong vòng 5-10 năm tới với các hoạt động tại đây. 

Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cho rằng trong dòng chảy văn hóa nói chung và văn hóa tâm linh nói riêng, tín ngưỡng thờ cúng người có công là nhịp cầu bền vững tiếp nối từ truyền thống đến hiện đại.

Cùng với thời gian, qua tín ngưỡng thờ cúng người có công, minh triết “đồng bào”, đạo lý về lòng biết ơn và báo ơn là những giá trị vĩnh hằng, đã và sẽ thấm dần vào các thế hệ người Việt Nam, tạo nên sức mạnh văn hóa nội sinh trong quá trình hội nhập và phát triển, khẳng định sự trường tồn của dân tộc.