Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vị trí, vai trò của gia đình. Văn kiện Đại hội VIII của Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác".
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nhấn mạnh nhiệm vụ thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thật sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người…
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định, Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân.
Ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2238/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030”, trong đó tiếp tục nhấn mạnh quan điểm gia đình là tế bào của xã hội; nơi duy trì nòi giống; môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững.
Các cơ quan ban ngành đã xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật, bổ sung và làm rõ hơn các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội, như Luật Hôn nhân và gia đình (2000), Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em (2016). Các thông tư, nghị định, pháp lệnh hướng dẫn thi hành cũng được ban hành kịp thời, đảm bảo những điều kiện tốt nhất để mọi cá nhân, gia đình đều được tôn trọng, bình đẳng, có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình cũng đã được thành lập từ trung ương đến địa phương.
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về công tác gia đình, thời gian qua, nhiều phong trào thi đua sôi nổi, tích cực liên quan đến việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình được các địa phương triển khai, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò, vị trí của gia đình.
Các phong trào: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Xây dựng gia đình hạnh phúc; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới.., đã mang lại những hiệu ứng tích cực, giúp mỗi người thêm trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.
Gia đình là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc.
Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy. Truyền thống văn hóa tốt đẹp và nhân văn của gia đình Việt ấy đã được quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế trong quá trình giao lưu, hội nhập.
Hội nhập quốc tế sâu rộng cũng mang lại nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để mỗi thành viên trong gia đình nâng cao năng lực hiểu biết, khả năng tiếp cận với những thông tin, tri thức mới.
Qua giao lưu, hội nhập, nhiều giá trị văn hóa mới đến từ các nước tiên tiến cũng được các gia đình tiếp thu, vận dụng, lan tỏa như các giá trị về quyền bình đẳng; quyền bảo vệ trẻ em; quyền tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, tinh thần thượng tôn pháp luật; từng bước loại bỏ những tư tưởng lạc hậu, kìm hãm sự phát triển.
Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng đặt ra những thách thức trong việc gìn giữ, phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình. Để vun đắp, phát triển hệ giá trị gia đình trong điều kiện hiện nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và mỗi người dân cần ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người và sự ổn định, phát triển của quốc gia, dân tộc.
Đó là bởi gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự ổn định, phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Quan tâm, chăm lo phát triển gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.