Làng nghề làm hương điêu đứng vì Ấn Độ hạn chế nhập khẩu
Xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hoà, Hà Nội) được biết đến là một trong những xã có làng nghề truyền thống sản xuất tăm tre lớn nhất cả nước. Sau khi Ấn Độ đưa ra thông báo nhang (hương) và các chế phẩm từ Việt Nam phải chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”, việc sản xuất tăm hương của bà con nhân dân gặp vô vàn khó khăn.
Nhiều gia đình đang tồn hàng chục tấn hàng thành phẩm mà không thể bán. |
Về xã Quảng Phú Cầu những ngày cảm nhận thấy không khí yên ắng khác thường, không còn ồn ã tiếng máy móc sản xuất, tiếng xe vận chuyển sản phẩm qua lại tấp nập. Tiếng máy cưa thưa thớt vọng ra từ một vài xưởng sản xuất, nhân công không còn ngồi trẻ vầu, lọc tăm như trước.
Cả xã có 5 thôn với 3.300 hộ làm nghề tăm hương, chiếm khoảng 70% tổng hộ dân. Trong đó, số lượng xưởng sản xuất lớn có từ 20 công nhân trở lên khoảng 200 hộ, thu nhập trung bình của thợ chính và phụ khoảng từ 6 đến 7 triệu đồng một tháng. Những người nhàn rỗi cũng có thể tham gia thêm ở các khâu lặt vặt cũng kiếm được 60 đến 70 nghìn đồng một ngày.
Máy móc để sản xuất tăm nhang ở Quảng Phú Cầu ngưng hoạt động hàng loạt sau khi Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương từ Việt Nam. |
Khoảng 5 năm trở lại đây, người dân Quảng Phú Cầu bắt đầu làm tăm hương xuất khẩu sang Ấn Độ, công việc ổn định kéo dài nhiều năm đã làm thay đổi đời sống của bà con nông dân. Có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, công việc đồng áng dần dịch chuyển sang sản xuất tăm hương.
“Ấn Độ không còn nhập hương từ Việt Nam nữa thì người dân chúng tôi mất thu nhập, cuộc sống thật sự khó khăn, hơn 50% công ăn việc làm nhờ vào sản xuất tăm nhang này. Xưởng nhà tôi còn một vài máy đang chạy đây là bắt buộc phải làm nốt số nguyên liệu vầu cũ, nếu để không thì mối mọt cũng sẽ hỏng. Nhà tôi cả thợ bổ vầu cùng thợ nhặt tăm có 25 người, máy chẻ tăm có 6 chiếc, trước đây một tháng xưởng nhà tôi cho ra khoảng 25 đến 30 tấn tăm thành phẩm", anh Đặng Văn Cương, ở xóm 8 (thôn Phú Thượng, xã Quảng Phú Cầu), cho biết.
Đầu tư máy móc, xưởng sản xuất tốn kém, giờ chỉ còn lại một vài xưởng đang hoạt động nhưng cũng chỉ làm hết số nguyên liệu còn tồn lại. |
Anh Cường cho biết thêm, từ khi Ấn Độ dừng mua tăm, công nhân đã nghỉ gần hết, chỉ còn lại vài người đang làm nốt nguyên liệu. "Nếu cứ tiếp tục đà này, chỉ vài ngày nữa công nhân làm hết nguyên liệu tồn thì tôi cũng cho họ nghỉ, đóng cửa xưởng vì tăm sản xuất không bán được, đọng vốn quá nhiều, không có tiền xoay vòng cũng như trả công cho công nhân", anh Cương nói.
Nhiều xưởng làm tăm hương lớn nhỏ ở Quảng Phú Cầu đã đóng cửa. |
"Việc đầu tư máy móc sản xuất cũng phải vay vốn ngân hàng. Hiện tại hàng tồn đang đắp đống trong nhà tôi cỡ khoảng 25 đến 30 tấn, tính ra khoảng 600 triệu đồng tiền vốn đang ứ đọng”, anh Cương kể.
Theo anh Cương, thời điểm trước, toàn bộ khu vực bãi đất công của thôn được người dân phủ kín toàn vầu, nhưng hiện nay lác đác chỉ còn lại vài đống nguyên liệu, chủ nhân thì phủ bạt che mưa che nắng, trong nay mai số nguyên liệu đó cũng sẽ phải cho ra thành phẩm nếu không để sẽ mối mọt.
Công nông "đắp chiếu" quanh làng. |
Thời kỳ cao điểm, trong làng có hàng trăm chiếc công nông chuyên làm nhiệm vụ vận chuyển nguyên vật liệu từ sân trung tâm về các hộ gia đình. Từ thời điểm khó khăn, công nông bị bỏ không ở bất cứ khoảng đất trống nào trong làng.
“Ngày trước nghe tiếng công nông thấy inh tai nhức óc nhưng vui, bây giờ thấy nó nằm im một chỗ không hoạt động gì mà thấy buồn quá”, một người dân làng nghề chia sẻ.
Số nguyên liệu vầu còn lại đang được các xưởng làm nốt rồi đóng cửa. |
Chủ một xưởng sản xuất khác cho hay: “Nhà tôi có 20 công nhân, trước đây mỗi tháng xuất sang Ấn Độ hơn 70 tấn chân hương, thu về khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng nay chỉ làm cầm chừng. Nếu Ấn Độ vẫn hạn chế nhập khẩu, cơ sở của tôi cũng tính đến chuyện đóng cửa nay mai”.
90% hương thành phẩm của Việt Nam được xuất sang thị trường Ấn Độ, ước tính vào khoảng 76 triệu USD/năm. Hàng trăm làng nghề sản xuất tăm hương lớn nhỏ trong cả nước đang bị ảnh hưởng trực tiếp vì thị trường Ấn Độ đóng cửa.
(Theo Dân trí)