Ngày 13/2/2019 tại Văn từ Thượng Phúc (thôn Văn Hội, xã Văn Bình), huyện Thường Tín tổ chức Lễ khai bút Xuân Kỷ Hợi và tôn vinh làng nghề truyền thống năm 2019 với sự tài trợ của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank).
Ông Phùng Văn Quốc- Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín khai mạc Lễ Hội. |
Tại buổi lễ, lãnh đạo huyện Thường Tín đã khai bút đầu xuân với 5 chữ: Đoàn Kết, Sáng Tạo, Quyết Tâm, Phát Triển, Thành Công.
Ngoài Lễ khai bút, huyện Thường Tín đã tổ chức biểu diễn trống hội, múa lân, múa rồn, các trò chơi dân gian địa phương, viết thư pháp và trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống…
Đến với Lễ khai bút Xuân Kỷ Hợi và tôn vinh làng nghề truyền thống năm 2019, du khách được chiêm ngưỡng nhiều sản phẩm của các nghệ nhân tài hoa như: Lọ sơn mài cao 1,4m, túi đeo của phụ nữ bằng mây tre đan, tranh thêu, trang phục áo của vua chúa…
Đây cũng là cơ hội để du khách tham quan các gian hàng làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Làng nghề Bánh dày Quán Gánh, Tiện gỗ Nhị Khê (xã Nhị Khê); làng nghề thêu truyền thống (xã Thắng Lợi); làng thêu Cổ Chất (xã Dũng Tiến); Điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang); Sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái); làng nghề hoa cây cảnh (xã Hồng Vân); Mây tre đan (xã Ninh Sở); Xương sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình); làng nghề cước lưới Trần Phú (xã Minh Cường)...
Khai bút đầu Xuân là hoạt động thường niên của UBND huyện Thường Tín nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc; khơi dậy niềm tự hào truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng đất trăm nghề; bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
Thường Tín là vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thồng hiếu học, tôn sư trọng đạo, ý chí vượt khó thành tài, vun đắp nên nền văn hiến rực rỡ với nhiều người hiền tài, anh hùng, danh nhân văn hóa lưu danh muôn thuở.
Các cá nhân tiêu biểu được vinh danh trong Lễ Khai bút Xuân Kỷ Hợi 2019. |
Theo cuốn sách “Các nhà khoa bảng, thi thức, nghệ nhân tiêu biểu huyện Thường Tín, giai đoạn 1075 - 2015”, huyện Thường Tín có 68 nhà khoa bảng, đứng đầu danh sách quận, huyện đỗ khoa bảng tại Thủ đô. Trong đó tiêu biểu là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ xây dựng Khu Văn Từ Thượng Phúc |
Ngoài danh hiệu " Đất danh hương", Thường Tín còn được vinh danh là “Đất trăm nghề”. Toàn huyện có 126 làng có nghề, trong đó có 48 làng đã được UBND TP. Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Bên cạnh những làng nghề đặc trưng như Tiện Nhị Khê, Thêu tay Quất Động, Sơn mài Duyên Thái, Mỹ nghệ Sừng xã Hòa Bình... đã có từ nhiều thế kỷ, nhiều làng nghề mới ra đời và phát triển, đã tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã mới và đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng của mỗi làng nghề, tạo dựng được thị trường rộng lớn trong nước và quốc tế.
Ngọc Minh