Theo quy định pháp luật hiện hành, thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính là 7 ngày. Trong 3 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ xe, nếu người vi phạm không đến nhận, cảnh sát phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở trong 30 ngày. Sau đó, cảnh sát sẽ tịch thu xe vi phạm bán đấu giá.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của VietNamNet, công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính gặp khó khăn. Rất nhiều chủ phương tiện không tới nhận xe, trong khi đó quá trình thanh lý để sung công quỹ Nhà nước phải qua nhiều thủ tục, cần nhiều cơ quan thẩm định nên mất nhiều thời gian. 

Điều đó dẫn tới nhiều bãi giữ xe vi phạm ở các tỉnh, thành bị quá tải, hàng chục nghìn phương tiện nằm phơi mưa nắng lâu ngày gây hoen gỉ, hỏng hóc. Khi thanh lý được, giá trị nhiều phương tiện chỉ ngang giá sắt vụn.

w xe vi pham nguyen hue 0947 2 1012.jpg
Phương tiện phơi mưa nắng tại một bãi giữ xe ở TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế

Lãng phí rất lớn

Nhìn hình ảnh hàng chục nghìn phương tiện vốn gắn bó, thậm chí phục vụ kế sinh nhai của ai đó, giờ nằm chỏng chơ, han gỉ, bạn đọc Phạm Văn Trường bình luận: "Cả một núi tiền của dân. Thế này nếu mà cháy thì ai chịu trách nhiệm?". 

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Trọng Đại cho rằng, khi tạm giữ phương tiện của người vi phạm cần làm rõ thời gian tạm giữ để người vi phạm làm thủ tục nhận lại, nếu quá thời hạn thì cần đưa ra đấu giá sung công quỹ chứ để thế quá lãng phí tài sản. 

"Tài sản cá nhân cũng là tài sản của xã hội, quốc gia. Sao để lãng phí như vậy?", bạn đọc Mai Văn Thặng nêu ý kiến và cho rằng mọi người nên suy ngẫm về vấn đề này.

Bạn đọc Lê Văn Tuấn thẳng thắn đề nghị cơ quan thanh tra Nhà nước tiến hành thanh tra các bãi xe tạm giữ của công an quận, huyện vì đây là nguồn tài sản rất lớn bị lãng phí. 

Vì sao chủ xe bỏ mặc phương tiện?

Trước việc chủ xe bỏ mặc phương tiện ở bãi tạm giữ, bạn đọc Kim Minh nhận định: "Làm gì có ai mà không biết 'của đau con xót'? Chủ xe phải có lý do, cân nhắc thiệt hơn mới từ bỏ tài sản của chính mình".

Một bạn đọc đưa ra tình huống người vi phạm bị giữ xe, giam bằng lái 2 năm. "Chiếc xe đã cũ, lấy ra làm gì, có đi được đâu? Mức phạt còn cao hơn giá trị xe nữa chứ!", bạn đọc này bày tỏ.

Theo một số bạn đọc khác, hiện nay có nhiều phương tiện bị tạm giữ do người chủ bị xử lý vi phạm nồng độ cồn. Do mức phạt vi phạm nồng độ cồn rất cao, mức "kịch khung" với tài xế xe máy vi phạm lên tới 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe tới 24 tháng.

Nhận thấy tiền phạt cao hơn cả giá trị chiếc xe nên nhiều chủ phương tiện bỏ lại, không tới nộp phạt để làm thủ tục lấy về.

nui tien.jpg
Xe vi phạm được tập kết ở một bãi xe thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Bảo Khánh

Cần giải pháp xử lý phương tiện tồn ở bãi tạm giữ

Trước thực trạng các bãi giữ xe vi phạm bị quá tải, nhiều bạn đọc đề xuất phương án xử lý để giải phóng lượng phương tiện tồn tại lâu ngày.

Bạn đọc Vũ Ngọc Thái nêu ý kiến: "Theo tôi, xe vi phạm mà không đúng thiết kế, xe tự chế, quá thời hạn lưu hành phải tiêu hủy ngay. Xe nào dây dưa không đến nhận, quá hạn cũng tiêu hủy".

Theo bạn đọc Nguyễn Quốc Mạnh Tuấn, có thể tạm giữ xe vi phạm 7 ngày, nhưng nên cho chủ lên nhận xe và giữ lại bằng lái, còn việc đóng phạt thì có thể để sau. Bởi vì không ít người khi bị giữ xe họ lại không đủ khả năng để đóng tiền mang xe về ngay lúc đó, mà nếu xe giá trị thấp thì họ sẵn sàng bỏ.

"Để đảm bảo mọi người ai cũng đóng phạt thì cứ đưa ra các quy định, ví dụ như không đóng phạt sẽ bị đưa vào chế tài phục vụ công ích xã hội, hoặc đưa vào án hình sự giống như các tội trốn thuế, nếu số tiền cao có thể tạm giam vài tháng, hoặc có thể không cho họ làm giấy tờ hoặc các thủ tục dân sự nếu họ không thanh toán tiền phạt,...", bạn đọc Nguyễn Quốc Mạnh Tuấn nêu phương án.

Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Duy Hương đề nghị xem lại phương án giữ xe. Những vụ nào cần giữ tang vật để điều tra thì giữ xe lại. Các vụ xử lý vi phạm hành chính thì không nên giữ phương tiện, thay vào đó nên tính phương pháp khác, tránh thiệt hại cho dân.

Một số bạn đọc khác cũng có chung quan điểm nên hạn chế việc giữ xe và nêu ý kiến: "Người vi phạm thì phạt người, sao lại để xe hư hỏng hết"; "Con người điều khiển phương tiện vi phạm chứ phương tiện có lỗi gì đâu"; "Chỉ cần phạt tiền với lỗi vi phạm, bấm lỗ trên giấy phép lái xe, quá 5 lần phải đi thi lại. Xe thì cho chủ nhân chạy về"...