anh bai 22.jpg
Vấn đề đáng quan ngại tại các làng tái chế nhựa là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đó là nhận định của nhóm nghiên cứu gồm Hoàng Thị Phương Lan (Học viện Tài chính) và Chu Thị Yến (Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị).

Nhóm nghiên cứu đã phân tích thực tiễn hoạt động của một số làng nghề tái chế nhựa để minh họa rõ hơn cho nhận định nêu trên.

Điển hình như tại hai làng nghề Minh Khai (làng Khoai), Phan Bôi (làng Đan) ở thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên).

Làng Minh Khai hiện có 868 hộ gia đình tham gia thu mua, phân loại, sơ chế, tái chế phế liệu nhựa, trong đó có khoảng 480 hộ trực tiếp sản xuất nhựa với công đoạn giặt, rửa, đùn, ép, tạo hạt nhựa từ phế liệu, biến làng nghề thành “công xưởng” khép kín vừa tái chế vừa sản xuất.

Nước thải từ quá trình này không được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường với lưu lượng khoảng 7.000m3/ngày - đêm, cộng với lượng lớn rác thải làng nghề phát sinh khiến môi trường nơi đây luôn ngột ngạt.

Với gần 1.000 hộ, đa số làm nghề tái chế nhựa, làng Khoai đứng trong danh sách những ngôi làng ô nhiễm nhất cả nước. Theo tìm hiểu, mỗi ngày làng Khoai  “nhập” khoảng 200 tấn rác phế liệu, rồi tái chế thành các loại đồ dùng mới như túi, túi ni-lông, dây buộc, đến cả ống nhựa PVC, cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Làng nghề tái chế phế liệu Phan Bôi có khoảng 110 hộ kinh doanh, vận chuyển và tái chế nhựa. Làng nghề nằm ngay trong khu dân cư, việc nước tẩy rửa khi xay nhựa đã xả thải thẳng ra khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và bệnh tật. 

Xét về khía cạnh kinh tế, hoạt động tái chế nhựa đã góp phần không nhỏ vào cải thiện mức sống cho các hộ dân trong các làng nghề tái chế nhựa, hơn nữa, từ góc độ nền kinh tế quốc gia, nguồn nhựa tái chế thay thế cho vật liệu nguyên sinh đã tạo ra lợi ích kinh tế nhất định cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh sử dụng nhựa.

Hoạt động tái chế nhựa có thể được thực hiện theo một trong ba cách: tái chế cơ học, tái chế hóa học và tái chế nhiệt. Trong đó, phương pháp tái chế cơ học có cách thức thực hiện đơn giản nhất, không đòi hỏi sự đầu tư quá lớn về máy móc, thiết bị, trình độ lao động cũng chủ yếu là lao động chân tay nên là phương pháp được sử dụng phổ biến tại các làng nghề. 

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các công đoạn như làm sạch, xay tạo hạt… đều trực tiếp xả thải ra nguồn nước, gây ô nhiễm hóa chất và ô nhiễm vi nhựa trầm trọng. Thậm chí, nhiều rác thải khó tái chế còn được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp bừa bãi.

Quá trình tái chế phế liệu nhựa ngoài việc gây ra bụi, bẩn còn phải dùng rất nhiều hóa chất để tẩy rửa đã theo nguồn nước thải ra môi trường và theo năm tháng ngấm vào đất, nước sinh hoạt, ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân. Vì thế, làng Đan đã bị thu hồi bằng công nhận làng nghề tái chế phế liệu nhằm chấm dứt việc người dân phải sống chung với rác và đưa việc tái chế nhựa ra xa khu dân cư.

Tại một số làng nghề tái chế nhựa, nồng độ hơi khí độc hại hầu hết đều vượt tiêu chuẩn cho phép, hàm lượng bụi khoảng 0,45 - 1,33 mg/m3, vượt tiêu chuẩn cho phép 1,5 - 4,4 lần. 

Ngoài việc cơ sở tái chế không tuân thủ quy định về phòng, chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh môi trường, tiếng ồn, khói, bụi…, việc tận dụng các khu vực công cộng làm nơi chứa hay phơi phế liệu cũng tạo nên hình ảnh thôn xóm nhếch nhác, đe dọa an toàn và sức khỏe của người dân.

Để khắc phục nguy cơ sự cố chất thải tại các làng nghề tái chế nhựa, nhóm nghiên cứu đề xuất: Chính quyền địa phương cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết cho mọi người dân làng nghề về việc cần thiết phải chuyển đổi cách thức sản xuất - kinh doanh đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững.

Về phía các hộ dân trong làng nghề tái chế, cần nâng cao trình độ, hiểu biết về công nghệ tái chế theo hướng bền vững, mang lại nhiều giá trị gia tăng không chỉ cho hộ kinh doanh mà cho cả các chủ thể liên quan khác như cộng đồng dân cư, doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng…

“Việc duy trì hoạt động của các làng nghề tái chế trong bối cảnh thực thi chính sách bảo vệ môi trường là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng thực hiện từ các cơ quan quản lý cho đến chính quyền địa phương, đặc biệt là từ các hộ dân trong làng nghề”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Bình Minh và nhóm PV, BTV