Hiện thực hóa các nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa; Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, mới đây, Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án thí điểm xây dựng mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu".

Đề án được kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Một trong những nội dung quan trọng của Làng văn hoá kiểu mẫu, đó là phải gắn phát triển văn hoá với tổ chức sản xuất cho Nhân dân, thúc đẩy mối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu tạo việc làm tại chỗ, sinh kế bền vững, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để nghị quyết đi vào thực tiễn đời sống, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã và đang tập trung phát triển các mô hình phát triển kinh tế cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, huy động sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp trong liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng.

sanphamocop.png
Sản phẩm OCOP 4 sao

Trong giai đoạn 2023 - 2030, Vĩnh Phúc sẽ triển khai một số nội dung hỗ trợ mô hình kinh doanh thương mại - dịch vụ để xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu với đối tượng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân triển khai thực hiện các mô hình siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi; cửa hàng kinh doanh tổng hợp; điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh và của địa phương; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại nơi thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Một trong những điểm nhấn tại các Khu thiết chế văn hoá, thể thao, Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, minh chứng cho tư duy đổi mới, sáng tạo của các cấp chính quyền phải kể đến không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Mặt khác, ngay trong buổi lễ khánh thành một số Khu thiết chế văn hoá, thể thao, Làng văn hóa kiểu mẫu gần đây, chính quyền địa phương đã cùng với các doanh nghiệp ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác duy trì và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Cùng với các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trực tiếp, tỉnh còn chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng hỗ trợ đưa các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP tiêu biểu tại các Làng văn hóa kiểu mẫu lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, khuyến khích người dân ở các Làng văn hóa kiểu mẫu chủ động khai thác tốt thế mạnh trên nền tảng các mạng xã hội để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, Sở Công Thương đã khảo sát, thống nhất với các đơn vị liên quan, các địa phương tổ chức thực hiện 3 mô hình kinh tế lên sàn thương mại điện tử, trong đó có mô hình hỗ trợ đưa các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP tiêu biểu của Làng văn hóa kiểu mẫu Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường. Các Làng văn hóa kiểu mẫu khác có sản phẩm OCOP phù hợp sẽ được hỗ trợ thực hiện trong quý I/2024.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tin tưởng với sự đồng hành của các doanh nghiệp, sẽ có nhiều ý tưởng kinh doanh, góp phần đưa hàng hóa, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của tỉnh nói chung và các sản phẩm tại các “Làng văn hóa kiểu mẫu” nói riêng vươn xa trên thị trường.

Xuân Ngọc và nhóm PV, BTV