Sáng 20/2, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh chủ trì cuộc họp trực tuyến định kỳ nghe báo cáo tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, lũy kế đến ngày 17/2/2023, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giải ngân đạt 79 tỷ 815 triệu đồng, đạt 43,53% tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 giao cho chương trình. 2 đơn vị có tiến độ giải ngân tốt là huyện Lộc Ninh và huyện Bù Đốp.

Các sở, ngành, huyện, thị xã đang tiếp tục đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này. Tuy nhiên, việc giải ngân vẫn đang gặp phải một số khó khăn về mặt cơ chế; một số dự án, tiểu dự án còn phải chờ hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.

Đánh giá tiến độ giải ngân nguồn vốn còn chậm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh yêu cầu các huyện, thị xã tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, đồng thời hoàn thành việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đề nghị các sở, ngành rà soát, điều chỉnh dự toán và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đúng theo quy định.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bình Phước có 58 xã, trong đó xã thuộc khu vực I là 50 xã, xã thuộc khu vực II là 3 xã, xã thuộc khu vực III là 5 xã.

Theo kế hoạch, thực hiện tổng thể Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ triển khai thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí dự kiến trên 238 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 195 tỷ đồng.

Trong đó, tập trung vào các dự án cụ thể như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lập về lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Phước Long