Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh cùng người nông dân năm 2023

Là tỉnh miền núi, biên giới có tổng diện tích trên 9 nghìn km2, diện tích đất nông - lâm nghiệp chiếm trên 52%; dân số gần 460.000 người (tính đến hết năm 2018), trong đó khu vực nông thôn chiếm trên 82%. Sau khi chia tách năm 2004 nền nông nghiệp của tỉnh Lai Châu còn nhiều khó khăn, quy mô sản xuất nông - lâm nghiệp nhỏ lẻ, sản xuất còn lạc hậu; cơ cấu cây trồng còn đơn giản chủ yếu là lúa, ngô, chè và cây rau, hoa màu phục vụ tại chỗ; năng suất thấp, khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất còn hạn chế, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa. 

Nhận thức rõ được vị trí, tầm quan trọng của lĩnh vực nông - lâm nghiêp đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, anh ninh của tỉnh. Trong 15 năm (2004 - 2019), Đảng bộ tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương phát triển nông - lâm nghiệp.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nông - lâm nghiệp Lai Châu sau gần 20 năm chia tách thành lập có nhiều khởi sắc, góp phần quan trọng đưa Lai Châu từng bước phát triển toàn diện và bền vững.

Sáng 15/12, UBND tỉnh Lai Châu cùng Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với Hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ Hội Nông dân và chủ thể sản phẩm OCOP năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- ông Hà Trọng Hải nhấn mạnh: Hội nghị đối thoại là cơ hội để chính quyền địa phương lắng nghe các tâm tư, mong muốn của nông dân, hội viên nông dân, từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách có liên quan trực tiếp tới người dân, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn với nhiều chính sách đổi mới, tư duy mới nhằm làm thay đổi từ tư duy lạc hậu sang tư duy đổi mới, mang lại hiệu quả tốt hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; áp dụng tối đa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết, giải quyết vấn đề tam nông…

Thông tin một số kết quả nổi bật trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh, những thuận lợi, khó khăn trong phát triển nông nghiệp thời gian qua trước tác động của dịch bệnh, thiên tai…, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn được cán bộ, hội viên, chủ thể OCOP có những ý kiến đóng góp thẳng thắn qua những câu hỏi, qua đó để chính quyền và các cơ quan chuyên môn kịp thời nắm bắt, điều chỉnh các chính sách cho phù hợp, khơi thông, qua đó giúp cho phát triển nông nghiệp nông thôn được thuận lợi, hiệu quả hơn.

Ngay từ 2004, Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy Tam nông

Tại Hội nghị, đã có trên 20 câu hỏi của Hội viên nông dân, cán bộ Hội Nông dân và chủ thể sản phẩm OCOP năm 2023 gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đến các chế độ, chính sách có liên quan đến nông dân, Hội viên nông dân.

W-chebup-1.png
Sản xuất chè búp tươi ở xã nông thôn mới San Thàng

Các câu hỏi xoay quanh các vấn đề thiết thực như: Giải pháp hỗ trợ cụ thể đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vào hệ thống siêu thị trong nước; hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia hội trợ ngoại tỉnh; những hồ sơ, thủ tục để tiếp tục công nhận sản phẩm OCOP sau khi hết hiệu lực; mở rộng thêm đối tượng được nhận hỗ trợ cây, con giống theo Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND; giải pháp nhu cầu nước tưới tiêu cho đồng ruộng và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…

Lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định, ngay từ khi chia tách, thành lập tỉnh vào năm 2004, Lai Châu đã ban hành rất nhiều chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Do sản xuất ban đầu còn nhỏ lẻ, manh mún nên thu nhập bình quân của nông dân mới đạt gần 6 triệu đồng/người/năm và bình mỗi xã mới đạt khoảng 2 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo trên 60%.

Phát triển được 171 sản phầm OCOP từ 3 sao trở lên

Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, trong nhiệm kỳ này, 4 chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh đã có 2 chương trình về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đó là phát triển rừng bền vững và phát triển nông sản hàng hóa tập trung; kèm theo đó là 1 đề án phát triển hạ tầng nông nghiệp. Nhờ có các chính sách đồng bộ, bộ mặt nông thôn trên địa bàn và lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều thay đổi.

Đối với nông thôn hiện nay tỉnh đã có 39/94 xã đạt chuẩn về nông thôn mới, bình quân cả tỉnh đang đạt gần 14 tiêu chí/xã, thu nhập đã xấp xỉ 20 triệu/người/năm. Hiện nay, tỉnh đã hình thành nên rất nhiều vùng sản xuất tập trung, như 10 nghìn ha chè, gần 13 nghìn ha cao su, trên 10 nghìn ha quế, hơn 8 nghìn ha cây ăn quả và gần 7 nghìn ha mắc ca…

Hiện nay tỉnh cũng đã phát triển được 171 sản phầm OCOP từ 3 sao trở lên và sản phẩm của Lai Châu cũng đã được bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá rất cao.

Cũng tại Hội nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho các chủ thể và công bố Quyết định thưởng cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm 2023 có sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Sở Nội vụ cũng công bố Quyết định khen thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh cho 21 tập thể, 25 cá nhân có sản phẩm được chứng nhận OCOP năm 2023.

Hữu Khôi và nhóm PV, BTV