Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 25/8 tới đây.

Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 45, đó là quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường. 

Trong nghị định này, người dân đặc biệt quan tâm đến chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định không phân loại rác thải từ đầu nguồn, với mức xử phạt tiền từ 500 nghìn – 1 triệu đồng đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Chế tài xử phạt hành vi không phân loại rác thải tại nguồn đang được đông đảo người dân quan tâm

Tương tự, các tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường nếu không phân loại từ đầu nguồn sẽ chịu mức phạt từ 20 - 25 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 45 xử lý vi phạm đối với các hành vi thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định.

Tuy nhiên, trước quy định không phân loại rác tại nguồn bị xử phạt, người dân ở nhiều địa phương và cả các tổ chức, đoàn thể, chính quyền đều cho biết chưa được hướng dẫn về thực hiện quy định này.

Theo ghi nhận, dù đồng tình với chủ trương cần phân loại rác tại nguồn để giảm thải tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, để thay đổi thói quen "gom rác một túi", cần có lộ trình tuyên truyền thay đổi nhận thức, sau đó mới xử phạt.

Đặc biệt, không chỉ người dân chưa được hướng dẫn, nhiều địa phương cho biết, vẫn đang chờ hướng dẫn từ Bộ TN&MT để triển khai Nghị định này.

Lãnh đạo Sở TN-MT TP Hà Nội, Hoà Bình cho biết, các đơn vị này vẫn chờ hướng dẫn của UBND cấp tỉnh/thành phố để triển khai thực hiện tới cấp cơ sở, tuyên truyền tới người dân.

Còn ở góc độ đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Đặng Hữu Bình cũng cho hay, đang chờ hướng dẫn từ thành phố.

Theo ông Bình: “Urenco cùng các công ty thành viên là đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Hiện tại, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể phân loại đầu nguồn như thế nào. Việc phân loại rác sẽ liên quan trực tiếp tới công nghệ xử lý rác. Ví dụ, công nghệ đốt được/không đốt được; phân luồng rác thải theo các địa phương phân chia về khu vực nào để xử lý… Ngoài ra, đối với rác thải tái chế và rác thải còn lại, hiện vẫn có sự liên kết giữa các đơn vị chủ nguồn thải với đơn vị xử lý”.

Ông Bình cũng cho biết, việc xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Phía đơn vị thu gom, căn cứ theo hướng dẫn cụ thể sẽ có phương án bố trí nhân lực thu gom, phương tiện vận chuyển… để đồng bộ hoá quy định này.

Chậm nhất đến 31/12/2024 mới áp dụng xử phạt

Trước băn khoăn về chưa có hướng dẫn phân loại rác đã có thời hạn xử phạt, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, đang có cách hiểu chưa đúng về thời điểm áp dụng xử phạt đối với hành vi không thực hiện phân loại rác thải từ đầu nguồn.

“Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25/8, đó là thời điểm Nghị định có hiệu lức chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Cũng giống như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình.

Chậm nhất đến ngày 31/12/2024, việc xử phạt không phân loại rác thải đầu nguồn mới áp dụng. Ảnh: Thảo Nguyên

Đến thời điểm có lộ trình đó thì mới triển khai thực hiện, còn những điều khoản thi hành chung thì đương nhiên vẫn có hiệu lực từ thời điểm Luật được ban hành.

Quy định về phân loại rác thải từ đầu nguồn cũng như vậy”, ông Thịnh giải thích.

Theo quy định tại Điều 75 - Luật Bảo vệ Môi trường, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn.

"Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này", ông Nguyễn Hưng Thịnh nói.

"Như vậy, tùy vào thực tế của các địa phương mà quyết định phân loại nào. Tinh thần của Luật là phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn do UBND cấp tỉnh quy định. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Luật cho 3 năm để triển khai áp dụng chế tài này.

Chỉ khi các địa phương ban hành các quy định triển khai cụ thể, lúc đó mới áp dụng xử phạt. Còn thời điểm 25/8 tới đây là thời điểm Nghị định 45 có hiệu lực chung, chưa phải là thời điểm xử phạt", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh nói.