Năm 2020, Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi, thị xã Sa Pa đã tiên phong đưa hệ thống châm phân dinh dưỡng tự động Nextfarm Fertikit 4G vào sử dụng.

Với hệ thống này, tỷ lệ phân dinh dưỡng cho hơn 2 ha được thực hiện hoàn toàn tự động và đúng liều lượng. Bên cạnh đó, toàn bộ các chỉ số, lịch sử tưới, việc giám sát vườn đều được thực hiện qua hệ thống Web, App mobile, nhờ đó chủ trang trại thuận lợi hơn trong quản lý, vận hành.

Việc tưới tiêu hiện đại này còn đảm bảo phù hợp với điều kiện thời tiết từng thời điểm, giúp tăng sản lượng tới 25% so với hình thức tưới truyền thống. 

Bảng điều khiển hệ thống châm phân dinh dưỡng tự động Nextfarm Fertikit 4G.

Anh Trần Tuấn Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi cho hay, chuyển đổi số tuy mang lại lợi ích mà mắt thường không nhìn thấy được song khi sản xuất hàng hoá lớn và có chất lượng thì phải chuyển đổi số, nếu không chất lượng thu được sẽ không đồng đều và đạt kết quả.

Anh cũng cho biết, thời gian tới, hợp tác xã có định hướng nâng cấp hệ thống cảm biến tiểu vi khí hậu, độ ẩm môi trường và nhiệt độ trong đất. Dựa vào đó để việc tưới tự động có thêm số liệu và tưới chính xác hơn. Tương lai sau này cũng sẽ bán hàng qua các kênh Shopee, Lazada đưa sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng với thời gian nhanh hơn.

Để triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đang triển khai đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý ngành nông nghiệp, cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu, thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xây dựng chính sách thu hút, ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa; xây dựng các xã nông thôn mới thông minh. Phát triển thương mại điện tử trên cơ sở đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Qua đó, giúp truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm... từng bước giúp cho các sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.

Công tác chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số đã giúp người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ở tỉnh Lào Cai bước đầu thành công trong tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ ngành nông nghiệp là một trong các lĩnh vực được ưu tiên. Mục tiêu hướng đến mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo giá, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

Hiện nay, ở Lào Cai có 86 doanh nghiệp, hợp tác xã với trên 300 dòng sản phẩm được gắn mã QR-Code đã giúp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản an toàn. 

Cùng với đó, hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại giúp cho doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và lợi thế sản phẩm nông nghiệp. Việc triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp góp phần tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.

Chị Vũ Thị Thắm, Giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch Gia Phú, huyện Bảo Thắng cho hay, được tham gia lớp tập huấn do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức và về tận nơi hướng dẫn, chị đã biết cách xử lý các đơn hàng. Hiện nay, chị đã bán được 50% số đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà cho biết, từ khi người dân kết nối được mạng Internet, nhiều hộ gia đình đã biết sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm nông nghiệp, qua đó tăng thêm thu nhập, tạo việc làm.

Có thể nói, chuyển đổi số đã mang lại những kết quả tích cực không chỉ trong chất lượng, năng suất các sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh Lào Cai mà còn nâng cao cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là nền tảng để Lào Cai sớm về đích nông thôn mới nâng cao trong tương lai.

Mỹ Bình và nhóm PV, BTV