Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị triển khai kế hoạch, giải pháp thực hiện 84 xã duy trì và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 do Thường trực UBND tỉnh Lào Cai tổ chức cuối tháng 12, để đạt được  mục tiêu cần nhiều giải pháp, kế hoạch cho từng nhóm xã. 

Trong 62 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có 11 xã duy trì 19/19 tiêu chí; 19 xã duy trì từ 15-18 tiêu chí; 28 xã duy trì từ 10-14 tiêu chí và 4 xã duy trì từ 7-9 tiêu chí.

Trong thời gian tới, các xã tiếp tục hoàn thành và duy trì mức độ đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, đồng thời triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Với tổng kinh phí các xã đề xuất để duy trì các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là gần 373 tỷ đồng đồng, trong đó ngân sách tỉnh là hơn 322 tỷ đồng, vốn thu hút đầu tư 16,4 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã là hơn 25,4 tỷ đồng, huy động từ nhân dân hơn 8,5 tỷ đồng.

Đối với 10 xã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí năm 2023, đến nay có 3 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 5 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và 2 xã đạt từ 8-9 tiêu chí.

Trong thời gian tới, các xã tiếp tục hoàn thành và duy trì mức độ đạt chuẩn các tiêu chí xã nông thôn mới, đồng thời triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đối với các tiêu chí đã duy trì được mức độ đạt chuẩn nông thôn mới.  

Đối với 12 xã phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2024 - 2025, kinh phí đề xuất bổ sung là hơn 389 tỷ đồng, trong đó huy động từ nhân dân là hơn 68,6 tỷ đồng. 

W-laocai-ntm.png
Phụ nữ dân tộc Bố Y, một trong số các dân tộc rất ít người của tỉnh Lào Cai. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua rà soát hiện trạng nông thôn mới và nhu cầu đầu tư của các xã, trong 22 xã dự kiến về đích nông thôn mới đến năm 2025, cơ quan thường trực lựa chọn 12 xã có khả năng hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, đó là: 7 xã thuộc huyện Bảo Yên (Xuân Hoà, Cam Cọn, Điện Quan, Phúc Khánh, Kim Sơn, Tân Tiến, Thượng Hà); 2 xã thuộc huyện Văn Bàn (Nậm Mả, Thẳm Dương); 1 xã Nậm Lúc thuộc huyện Bắc Hà; 2 xã thuộc thị xã Sa Pa (Thanh Bình, Tả Van).

Đổi mới truyền thông về nông thôn mới

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Lào Cai, nhấn mạnh để 62 xã duy trì mức độ đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu đến hết năm 2025 có thêm 22 xã về đích nông thôn mới, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh.  

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào nội dung các Chỉ thị của tỉnh, chủ động sớm tổ chức họp ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện chương trình, tuy nhiên cần có sự thống nhất cao giữa các ngành và địa phương.

Đặc biệt, đối với công tác thông tin tuyên truyền, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, vận động các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để người dân nhận thức sâu sắc về vai trò chủ thể, tham gia xây dựng nông thôn mới với ý thức tự giác, chủ động, hăng hái của mỗi người dân.

Đồng thời, thường xuyên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trong triển khai và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Chủ tịch tỉnh Lào Cai yêu cầu huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn ngân sách địa phương và từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn, để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân, đồng thời đạt các mục tiêu, tiêu chí, chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bạt Tuấn và nhóm PV, BTV