Lào Cai có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài 182,086 km. Trong đó, có 127 mốc quốc giới, có cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu (gồm 02 đường bộ và 01 đường sắt), 02 cặp cửa khẩu phụ và 03 cặp lối mở. Khu vực biên giới tỉnh Lào Cai có 26 xã, phường, thị trấn thuộc 04 huyện và 01 thành phố biên giới. Đây được xem là lợi thế lớn để tỉnh Lào Cai phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng hợp tác giao lưu thương mại quốc tế với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.

laocai.png

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành địa phương phát triển nhanh, bền vững và toàn diện trên các trụ cột về kinh tế, xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Lấy phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, nông nghiệp hàng hóa là động lực; trở thành cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.

Với tinh thần đó, Lào Cai chỉ đạo cân đối, bố trí khoảng trên 300 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các công trình, dự án quốc phòng - an ninh theo đúng tiến độ dự án được phê duyệt. Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối các tuyến đường cao tốc, quốc lộ đến các trung tâm kinh tế, du lịch của tỉnh; hệ thống giao thông kết nối qua biên giới được Trung ương quan tâm, thúc đẩy gồm: Cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới tại xã Bản Vược; kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc)…. với mục tiêu vừa phục vụ cho phát triển kinh tế, lại phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh – quốc phòng. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, ưu tiên giảm nghèo đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

PV