6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,65%
Cũng như các tỉnh thành khác, đối với Lào Cai, năm 2023 được xác định là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Trong nửa đầu năm 2023, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh Lào Cai có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức nổi lên nhiều hơn. Do vậy, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp căn cơ, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao nhất; đồng thời bám sát các Nghị quyết, Chương trình công tác của Chính phủ, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, tổ chức triển khai thực hiện với chủ đề của năm 2023 là “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hành động – Phát triển”.
6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,65%; cao hơn mức bình quân chung của cả nước (3,72%); trong đó một số ngành có mức tăng trưởng tốt đó là: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì và phát triển khá với mức tăng trưởng 4,95%; ngành dịch vụ tăng trưởng tốt đạt 8,25%; ngành xây dựng tăng 7,05%.
Sản xuất nông nghiệp ổn định, được đẩy mạnh triển khai theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa. Mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của diễn biến thời tiết, khí hậu. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 90 triệu đồng, vượt mục tiêu KH.
Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 20.426 tỷ đồng, bằng 40% KH và bằng 92% so cùng kỳ.
Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, tỉnh Lào Cai luôn nằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước, góp phần vào tăng trưởng chung của toàn tỉnh. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 6.560 tỷ đồng, tăng 14% so với CK. Giá trị giải ngân đến ngày 30/6/2023 đạt 2.176 tỷ đồng, đạt 34,4%KH, cao hơn 10 điểm % so với cùng kỳ.
Du lịch - dịch vụ phục hồi tốt, là động lực quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm. Tổng lượt khách đến Lào Cai đạt 3,8 triệu lượt, đạt 64% KH, tăng 134% so CK. Tổng doanh thu du lịch đạt 10.813 tỷ đồng, đạt 53% KH, tăng 87% so với cùng kỳ.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 945 triệu USD, đạt 19% KH, bằng 91% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đạt 3.580 tỷ đồng, bằng 42% dự toán trung ương, bằng 30% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 77,4% so với cùng kỳ.
Thu hút đầu tư trên địa bàn được quan tâm, 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 06 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 115 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 344 doanh nghiệp và 31 đơn vị trực thuộc, tăng 21,1% so với CK với tổng vốn đăng ký đạt 3.180 tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được quan tâm, chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc và rõ rệt. Công tác khám chữa bệnh được duy trì thường xuyên, đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống nhân dân được thực hiện tốt, 6 tháng đầu năm đã đào tạo nghề 5.770 người, đạt 50% KH; giải quyết việc làm mới cho 8.620 người (bằng 95,2% so với cùng kỳ năm 2022), đạt 65% KH.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Lào Cai là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành chiến lược dữ liệu, thực hiện đồng bộ việc đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công cho cả 3/3 đơn vị sự nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 xếp thứ 11/63 tỉnh thành, tăng 14 bậc; Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 11, giữ nguyên bậc so năm 2021; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 9, tăng 43 bậc.
Quốc phòng tiếp tục được củng cố và giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ổn định. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định. Hoạt động đối ngoại được thực hiện chủ động, tích cực, hiệu quả, đi vào thực chất.
Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng kinh tế khó khăn, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tiến độ một số dự án trọng điểm còn chưa đáp ứng yêu cầu do giá nguyên, nhiên vật liệu biến động mạnh năng lực, sức chống chịu của doanh nghiệp sau thời gian dài của dịch Covid-19 đã đến mức tới hạn (số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải giải thể tăng 22% so CK; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 17% so CK; trong khi đó số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 7%)…
Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đầu tư, khôi phục sản xuất, kinh doanh
Mặc dù dự báo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn do chịu tác động tiêu cực của tình hình kinh tế - chính trị thế giới và các vấn đề nội tại chưa thể giải quyết, cải thiện ngay sẽ tạo áp lực lớn trong việc thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân và các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh thống nhất không đề xuất điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 đã đề ra; quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; triển khai nhanh, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã ban hành, đồng thời tiếp tục có các giải pháp mới khắc phục các tồn tại, hạn chế; đặc biệt là các tồn tại, hạn chế do nguyên nhân chủ quan; tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thường xuyên rà soát, có kế hoạch chi tiết, đề ra các nhiệm vụ cụ thể của từng ngành để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023 trên 11%.
Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đầu tư, khôi phục sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chống thất thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu từ khoáng sản, phí, lệ phí; hoàn thành kế hoạch thu tiền sử dụng đất gắn với rà soát các quỹ đất công, lõi đất, tài sản công.
Quan tâm, giải quyết tốt các vấn đề xã hội (văn hóa, giáo dục, y tế), thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn; triển khai các chương trình phục hồi, hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quốc phòng – an ninh, đảm bảo trật tự an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại với các địa phương, vùng lãnh thổ nước ngoài, các tỉnh, thành phố trong cả nước.