Lừa tình, tiền của phụ nữ 

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) kêu gọi ai là nạn nhân của Nguyễn Văn Tuấn đến trình báo.

Đối tượng Nguyễn Văn Tuấn (38 tuổi, ngụ tại thị trấn Thạnh An) bị khởi tố, bắt giam về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

can tho 5 1087.jpeg
Cơ quan điều tra tống đạt quyết định bắt giam bị can Tuấn. Ảnh: Công an Cần Thơ 

Theo điều tra, Nguyễn Văn Tuấn không có nghề nghiệp ổn định, từng bị Công an huyện Vĩnh Thạnh xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng về hành vi "Sử dụng công cụ hỗ trợ trái quy định và tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân (CAND)". 

Tháng 3/2023, Tuấn lên Facebook tìm mua trang phục CAND, cấp hàm trung tá và thẻ ngành công an giả với giá 1,6 triệu đồng. 

Sau đó, Tuấn mặc trang phục công an giả, chụp hình đăng lên tài khoản TikTok cá nhân tên “2Gach2sao”.

Qua mạng xã hội TikTok, Tuấn kết bạn và nhắn tin trò chuyện qua Zalo với chị V.T.T.H., một phụ nữ đơn thân đang sinh sống tại TPHCM. Tuấn chụp nhiều hình ảnh mặc trang phục công an cùng với còng số 8, súng và gậy ba khúc gửi cho chị H. xem. 

Sau nhiều lần trò chuyện và gặp gỡ, Tuấn nói với chị H. là mình đang theo học lớp thạc sĩ CAND, phải vay ngân hàng đi học và đang cần tiền để đáo hạn nên gặp khó khăn về tài chính. 

Tin tưởng lời Tuấn, chị H. đã chuyển khoản cho gã đàn ông này 9 lần với 227 triệu đồng. Cũng với cách thức tương tự, Tuấn lấy 14,5 triệu đồng của chị L.T.T.T. (đang sinh sống tại TPHCM). 

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Thạnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, đồng thời khám xét nơi ở của Nguyễn Văn Tuấn. 

Tại nhà của Tuấn, công an thu giữ được nhiều giấy tờ giả như căn cước công dân, giấy phép lái xe, thẻ ngành công an cùng 2 khẩu súng hơi bắn đạn chì.

Gắn biển số “80A” rồi giả làm cán bộ kiểm tra Điều lệnh CAND

Tại tỉnh Tiền Giang, Công an huyện Châu Thành khởi tố bị can, bắt tạm giam Hồ Văn Long (ngụ huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) để điều tra hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo điều tra ban đầu, Long đặt mua bộ trang phục CAND mang quân hàm thiếu tá, cùng một số vật dụng dùng trong công tác chuyên môn của lực lượng công an và một số giấy tờ khác.

gia cong an 901.jpeg
Bị can Hồ Văn Long. Ảnh: Công an Tiền Giang

Hồi tháng 2, bị can Long từ TPHCM xuống Bạc Liêu thăm gia đình bạn gái và mang theo số "tài sản" trên để nói dối với mọi người đang công tác trong ngành công an.

Sau đó, Long trở lại TPHCM, khi di chuyển xe máy trên QL1, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, bị Tổ công tác tuần tra kiểm soát giao thông Công an tỉnh Tiền Giang chặn dừng phương tiện kiểm tra.

Lúc này, lực lượng CSGT phát hiện trên xe của Long có các loại giấy tờ giả, gồm: giấy chứng minh CAND, thẻ công vụ đặc biệt, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trang phục CAND mang quân hàm thiếu tá…  

Tổ công tác giao thông lập hồ sơ, bàn giao vụ việc cho Công an huyện Châu Thành điều tra và đến nay Hồ Văn Long đã bị khởi tố. 

Tại tỉnh Đồng Tháp, Công an cũng phát hiện các đối tượng giả công an. 

Theo đó, Công an phường Mỹ Phú (TP Cao Lãnh) nhận tin báo của người dân về việc một đối tượng chạy ô tô biển số 80A- 079.97 có dấu hiệu giả danh công an.

Tới hiện trường kiểm tra, lực lượng công an thu giữ 2 trang phục CAND, 3 biển số nền xanh 66A - 05578, 80A - 00789, 80A- 07997 và 1 biển số nền trắng 66A - 04343, 1 tờ giấy in logo và chữ Bộ Công an, băng màu đỏ có chữ “Kiểm tra điều lệnh Công an nhân dân”, 1 bộ đèn ưu tiên cùng nhiều tang vật khác.

gia danh cong an 1016.jpeg
Đối tượng Nguyễn Lê Ngọc Thi tại cơ quan công an cùng tang vật. Ảnh: Công an Đồng Tháp 

Tại cơ quan công an, đối tượng khai tên là Nguyễn Lê Ngọc Thi (22 tuổi, ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười). Số tang vật nói trên được mua trên mạng, mục đích sử dụng để ra oai với mọi người. Khi có các vật dụng trên, Thi thuê ô tô cùng tài xế và giả danh là công an để vào các tiệm sửa xe thay biển số.

Thi từng bị Công an xã Hoà An (TP Cao Lãnh) xử phạt hành chính về hành vi “Tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND”.

Cơ quan CSĐT Công an TP Sa Đéc (Đồng Tháp) khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Lên (35 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, Tiền Giang) để điều tra hành vi “Trộm cắp tài sản”

Bị can Lên là thủ phạm đột nhập, gây ra hàng loạt vụ trộm tại các căn biệt thự ở TP Sa Đéc. 

Theo cơ quan điều tra, Lên lên mạng mua bộ quân phục CAND, còng số 8. Ban ngày đối tượng mặc quân phục CAND rồi rảo quanh các khu dân cư, biệt thự vắng người để khảo sát và chờ đến tối đột nhập vào cuỗm tài sản. 

Mới đây, Bộ Công an đã trả lời người dân về cách nhận biết các đối tượng giả danh công an

- Quan sát hình thức bên ngoài: Các đối tượng giả danh công an tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát, liên hệ thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự thường sử dụng trang phục không đồng bộ, không đúng quy định, công cụ hỗ trợ, số hiệu, giấy tờ của ngành Công an không đúng quy định. 

Trong trường hợp này, người dân chỉ cần quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế, lễ tiết, tác phong, cử chỉ có thể phân biệt được họ là công an thật hay giả. Đối tượng giả danh luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ như khóa số 8, dùi cui, súng..., cố tình để người khác thấy giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND. 

Nếu chưa có cơ sở xác định họ giả danh công an, còn nghi ngờ, cần kết hợp với các cách thức khác để kiểm tra. Tuy nhiên, cần chú ý đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ.

- Gợi mở để đối tượng nói thật nhiều về lĩnh vực công tác: Nếu nghi ngờ một người giả danh công an, cần khéo léo gợi mở để họ nói về lĩnh vực công tác của mình càng nhiều càng tốt vì càng nói nhiều, đối tượng càng bộc lộ sơ hở. Có thể hỏi đối tượng những thông tin cơ bản như: Trước đây học trường nào, ở đâu? Điều kiện tuyển dụng vào ngành Công an thế nào? Đơn vị hiện tại địa chỉ ở đâu, lãnh đạo đơn vị là ai? Chức vụ, nhiệm vụ cụ thể hiện nay là gì?... 

- Phân tích, tổng hợp, đánh giá: Cần phân tích các thông tin cơ bản mà đối tượng đã nói, đã kể, rút ra những thông tin đúng, thông tin sai sẽ đánh giá được đối tượng nói thật hay nói dối, có phải giả danh công an hay không. 

Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể tổng hợp thông tin, sau đó nhờ người thân am hiểu về người đang công tác trong ngành Công an hoặc Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn nơi người dân cư trú, trực ban đơn vị Công an nơi gần nhất phân tích, đánh giá, không nên vội tin đối tượng, làm theo lời của đối tượng.

- Đối chiếu, kiểm tra: Trong trường hợp đã đánh giá nhưng chưa đủ cơ sở xác định đối tượng là người giả danh công an hay không, cần thực hiện bước đối chiếu, kiểm tra. Từ việc phân tích, tổng hợp thông tin do đối tượng cung cấp, kết quả quan sát, đánh giá, tư vấn của người trong ngành Công an... có thể dùng để đối chiếu, kiểm tra xác định đối tượng có hành vi giả danh Công an.