Tối 24/10, báo VietNamNet vinh dự được nhận giải A Giải báo chí quốc gia với loạt 5 bài “Báo chí chung tay làm sạch chính mình”.
Đây là 5 bài nằm trong loạt 21 tác phẩm đã được đăng tải hơn 1 năm trước. Loạt bài đã nêu ra những vấn đề cụ thể, đi sâu phân tích thực trạng từ nhiều góc độ, đưa ra nguyên nhân và giải pháp về bài toán kinh tế báo chí.
PV báo VietNamNet tác nghiệp tại Đại hội Đảng lần thứ XIII |
Quan trọng hơn là từ đó, nhiều ý kiến của đông đảo đội ngũ nhà báo, phóng viên cũng như các cơ quan quản lý, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, cùng đóng góp đưa ra các giải pháp để báo chí 'tự làm sạch chính mình'.
Một bộ phận báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp
Cách đây hơn 1 năm, khi báo VietNamNet bắt đầu khởi đăng loạt bài trên, dư luận từng có nhiều ấn tượng không tốt với báo chí khi một bộ phận phóng viên, đơn vị báo chí có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, cơ quan đơn vị.
Đại diện truyền thông một tập đoàn lớn khi đó chia sẻ: “Có lần chúng tôi gặp một sự cố nhỏ về môi trường. Một phóng viên gọi đến dọa rằng không ký hợp đồng 100 triệu thì “phang” bài”.
Cụm từ “phóng viên đếm tầng”, “nhóm phóng viên IS” không còn xa lạ. Ngoài ra, còn tình trạng xua quân đi ‘đánh để lập kế hoạch quảng cáo cho năm sau’ và 'bảo trợ đen'. Thậm chí, có thực trạng “sáng đăng, sáng gặp, sáng gỡ'.
Tiến sỹ Nguyễn Tri Thức, Vụ trưởng, Trưởng phòng Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản, là một nhà báo từng trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực và cơ quan báo chí khi nói về tình trạng báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp đã phải thốt lên: "Dù không phải là nhiều, nhưng nó mang tiếng xấu rất tồi tệ, thậm chí bây giờ có người dân, doanh nghiệp còn gọi là “bọn nhà báo”. Có những lúc tôi xấu hổ, không dám nhận mình là nhà báo!”.
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền phong cũng cho hay, ngay cả tờ báo của ông cũng bị báo chí đen đe dọa sau khi lời mời chào quảng cáo của họ bị từ chối.
Một số ý kiến trong các bài viết còn chỉ rõ việc buông lỏng quản lý các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, tập trung nhiều ở khu vực Bắc Trung Bộ gây ảnh hưởng không nhỏ đến bản chất của báo chí nói chung, gây phiền toái cho doanh nghiệp và địa phương.
Có cơ quan báo chí còn khoán cho anh em văn phòng đại diện, phóng viên thường trú phải tự sống, phải tự lo kinh phí. Khi đó, anh em phải đi xin xỏ cơ sở, xin không được thì gạ gẫm, dọa nạt, viết bài bôi xấu.
Báo chí lấy lại niềm tin với xã hội
Hàng loạt phóng viên bị bắt quả tang, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi phạm pháp, đã khiến lương tri những nhà báo chân chính không khỏi đau lòng.
Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ rõ, tuy nhiên, một trong những căn nguyên dẫn đến thực trạng đáng buồn này là do nhà báo chưa được trang bị đầy đủ về kiến thức văn hóa, chưa có tầm nhìn văn hóa về nghề báo, chưa có thái độ ứng xử văn hóa đúng mực trong hoạt động báo chí.
Phóng viên Đoàn Bổng và Phạm Công đã đạt giải C trong loạt bài "14 ngày không thể quên ở “tâm dịch” bệnh viện Bạch Mai". Ảnh: Phạm Công |
Nhà báo Lê Xuân Sơn nhấn mạnh, phải nghiêm cấm việc nhũng nhiễu doanh nghiệp để kiếm chác dù là cho tập thể hay cá nhân; không giao chỉ tiêu phát hành và doanh số quảng cáo - truyền thông cho khối phóng viên và các bộ phận liên quan đến làm nội dung báo.
Đồng thời, phải cảnh báo, nhắc nhở những ai có biểu hiện tiêu cực; tỏ thái độ dứt khoát từ chối thu lợi ích từ các doanh nghiệp từ các bài báo chống tiêu cực, phản biện, phê bình.
Nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cũng chia sẻ, phóng viên nếu chỉ thu nhập ba đồng lương cũng rất khó. Báo chí phải thông qua chuyện làm kinh tế một cách chính đáng để có thể cải thiện, hoặc có những khuyến khích cho các bài báo viết hay, viết tốt, có những giải thưởng để kích thích; chứ đừng để anh em vì cuộc sống mà chạy theo những thị hiếu tầm thường rồi đi đến chỗ lệch lạc.
Muốn làm được thì người phóng viên phải nhận định được vai trò, chức trách của mình để làm cho đúng. Còn những trường hợp uốn cong ngòi bút phải có xử lý, nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Báo chí truyền tải thông tin, hình ảnh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại tâm dịch TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng |
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, báo chí thực sự là lực lượng tuyến đầu, xông pha vào nơi nguy hiểm, nắm bắt và kịp thời đưa thông tin phản ánh. Dù đã có nhiều nhà báo bị phơi nhiễm, nhưng vẫn thức khuya, dậy sớm, lao vào tâm dịch, vào khu điều trị F0 để cập nhật tình hình hằng ngày, hằng giờ đến với bạn đọc.
Nguyên ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cũng chia sẻ, báo chí có vai trò rất lớn trong việc lan tỏa các chủ trương, đường lối cũng như các thông tin chính thống, hành động đẹp của xã hội đến với cộng đồng.
Bà An đánh giá, bản thân báo chí cũng có những hạt sạt, nhưng hạt sạn dần dần cũng bớt đi. Mà sạn được công khai là điều tốt. Đó là sự minh bạch trong cống hiến của báo chí.
"Việc báo chí có tác phẩm tự làm sạch chính mình tôi cho rằng, ngành nào cũng muốn che giấu những khuyết điểm. Nhưng nếu đã có cái u thì phải cắt đi, cho nên việc đó báo chí đã làm được, và khi làm được đã nâng lòng tin của dân lên", bà An bày tỏ.
Bài 1: “Nội soi" tình trạng báo chí quấy nhiễu doanh nghiệp
Bài 2: Phát cả tờ rơi xuống từng xã để nhận diện... phóng viên
Bài 3: Cảnh báo một bộ phận nhà báo ‘mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy’
Bài 4: 'Báo chí đen' đang ở mức nghiêm trọng
Bài 5: Giải bài toán kinh tế báo chí như thế nào?
Thu Anh - H.Văn - Hà An
Báo VietNamNet đoạt giải A và C Giải báo chí quốc gia lần thứ XV
Tối 24/10, tại Hà Nội diễn ra lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020. Trong các tác phẩm đoạt giải, báo VietNamNet có 2 loạt bài đoạt giải A và C.