“Có hoa bó mạ mới có ngày hội Then”

Hàng năm, cứ vào mùng 10/3 âm lịch, người Thái Trắng ở Lai Châu lại đến xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ để dự Lễ hội Then Kin Pang.

Hàng năm, cứ vào mùng 10/3 âm lịch, người Thái Trắng ở Lai Châu lại đến xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ để dự Lễ hội Then Kin Pang.

Truyền thuyết của người Thái Trắng kể lại rằng: Sau Pô Phà (Vua Trời) là Then có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cỏ cây, con người.

Vì vậy, Vua Trời đã phái các thần Then xuống hạ giới đầu thai thành người phàm trần để cứu nhân độ thế. Ai đau ốm thì được Then cho thuốc. Người nào gặp rủi ro, vận hạn, Then sẽ cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Then cũng là người đại diện để cầu nguyện các vị thần linh trên trời tạo phúc cho dân, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản Mường yên vui no ấm.

Đây cũng là ngày các Lụ liệng - Lụ hương (tức là những người con nuôi được Then cầu hồn, chữa bệnh) dâng lễ tạ ơn Then.

Bàn thờ Then được trang trí rực rỡ, nhiều màu sắc. Hoa bó mạ là lễ vật chủ đạo vì loài hoa này được xem là biểu tượng của Then Kin Pang - “có hoa bó mạ mới có ngày hội Then”.

Người Thái có câu:

Bó pục púng Then cả

Bó mạ púng Then sương

(Hoa bưởi nở Then sướng

Hoa bó mạ nở Then vui).

Lễ vật dâng lên cúng Then gồm 1 con lợn luộc nguyên, 2 con gà trống luộc, trứng gà, xôi nếp cẩm, bạc trắng,... Ngoài bàn thờ và lễ vật dâng lên cúng Then và Then Kin Pang, bao giờ cũng có một mâm lễ cúng tạ ơn những người có công lập bản dựng mường, tạ ơn những vị anh hùng đã có công đánh giặc giữ mường. Mọi người đến với lễ hội đều tâm niệm thắp hương lên bàn thờ Then để cầu nguyện một năm may mắn, cuộc sống an lành, gia đình hạnh phúc. Các gia đình có người chết cũng dâng lễ vật để nhờ Then xin với các vị thần linh cho các hồn ma về hưởng.

Các lễ thức thực hiện chủ yếu do người làm Then đảm nhiệm. Ngày đầu tiên làm lễ, ông (bà) Then kiêng kị không ăn thịt các con vật; các cô gái được chọn làm Sao chẩu phải có sắc đẹp và chưa chồng để hầu hạ các vị thần xuống trần gian vui chơi.

Bước vào hành lễ, người đủ tiêu chuẩn được dân bản bầu ra mặc trang phục của Then, tay đánh đàn tính tẩu trông uy nghi như một vị tướng. Những hành động dâng hoa, dâng lễ, mời rượu, cùng những lời diễn xướng của Then như đối thoại được với các đấng thần linh tối cao trên trời. Con người đã làm cho thiên nhiên say đắm. Kết thúc phần lễ, Then và các Sao chẩu múa điệu quát bó héo (quét hoa tàn):

Hoa héo hoa về gốc

Hoa úa hoa về thân

Tất cả cây cối chết trơ

Nhưng hoa vẫn nảy mầm.

Những lời bài hát này phản ánh niềm tin vào sự luân hồi bất diệt. Con người chết đi không phải là chết mà vẫn còn tiếp tục sống ở thế giới mới, cũng như những bông hoa kia héo tàn lại trở về với thân, cây lại đâm chồi nảy lộc. Cũng như quá khứ không mất mà luôn hiện hữu ở trong chúng ta.

Bước vào phần hội, mọi người cùng nắm tay nhau đoàn kết chất ngất điệu xoè:

Không múa hát thì lúa nương không mảy hạt,

Hoa không kết trái,

Gái không tìm được đôi,

Trai không tìm được bạn.

Lễ hội Then Kin Pang cũng là dịp để trai bản, gái mường gặp gỡ và thể hiện mình qua những câu hát, điệu múa. Sau lễ hội, nhiều đôi trai gái đã nên vợ chồng.

Lễ hội Then có sức mạnh lan tỏa ra một vùng và thu hút các dân tộc khác cùng tham gia. Người Thái ở Mường Là, huyện Kim Bình, Vân Nam (Trung Quốc) ở xa cũng về dự hội; người Mông từ núi cao xuống; người Dao ở bản bên cũng sang... Đàn ông thì mang theo dây song dài để chơi trò chặc vai (kéo co), phụ nữ thì mang theo quả còn, én cáy để cùng chơi. Đây cũng chính là lễ hội để cố kết cộng đồng các dân tộc, qua đó tạo ra sức mạnh đoàn kết để xây dựng, phát triển bản mường, chống giặc ngoại xâm và thiên tai.

Đa dạng các hoạt động tại Lễ hội Then Kin Pang năm 2023

Tại Lễ hội Then Kin Pang Phong Thổ năm 2023 vừa diễn ra, bà Mai Thị Hồng Sim - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết, Lễ hội Then Kin Pang là dịp để đồng bào dân tộc Thái huyện Phong Thổ tưởng nhớ và cảm tạ công ơn của Then đã tạo phúc cho dân, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản mường yên vui, no ấm.

Các hoạt động trong Lễ hội nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa, thành tựu, đóng góp của cộng đồng dân tộc Thái trong công cuộc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Lễ hội là dịp để huyện Phong Thổ giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc Thái trên địa bàn huyện với bạn bè trong nước và quốc tế nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch huyện Phong Thổ.

Vẫn như mọi năm, Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Trong đó phần Lễ được Ban tổ chức thực hiện tại tại nhà Then. Phần hội với nhiều nội dung thi đặc sắc và hấp dẫn như thi văn nghệ “Duyên dáng Mường Then”, thi ẩm thực. Đối với phần thi ẩm thực, các đội trổ tài nấu các món ăn đặc trưng dân tộc từ những nguyên liệu sẵn có tại địa phương với những mâm cỗ có từ 20 đến 55 món ăn.

Điểm mới của Lễ hội năm nay là có thêm nội dung “Khéo tay hay nghề” gồm thi kéo sợi và đan “hap pa giảng” (giỏ đựng cá sấy). Qua đó, thể hiện sự khéo léo của các nghệ nhân khi làm ra các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc Thái.

Cùng với đó, khi về dự Lễ hội, các đại biểu, Nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương cùng tham gia vào nhiều trò chơi dân gian: Kéo co, tung còn, én cáy, bắn nỏ, đi cà kheo, bắt cá, nhất là được hoà mình vào hoạt động té nước trong dòng suối mát lành của huyện Phong Thổ để cầu may mắn, bình an cho bản thân, gia đình và bản làng....

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV