Theo sử sách, tục khai bút và đi xin chữ đầu Xuân bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh thầy giáo Chu Văn An – một con người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học.

Tục khai bút còn là dịp nhắc lại lời dạy của tiền nhân về đạo lập thân, tu nghiệp, rèn đức, luyện tài để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Sinh thời Chu Văn An là một nhà đại khoa bảng, người thầy giáo tôn kính đức cao vọng trọng, thầy dạy của vua và nhiều đại thần triều Trần.

Sau khi, từ quan thầy lui về miền núi Chí Linh sinh sống và mở trường dạy học. Tương truyền, tại đây, mỗi dịp Tết đến, xuân về khi học trò đến thăm thầy, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống cho người đó. Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng. Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy. 

Ngày nay, đã thành thông lệ, vào ngày 8 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, tại khu di tích đền thờ thầy giáo Chu Văn An vẫn tổ chức "khai bút đầu xuân” với các nghi thức, nghi lễ  trang trọng: Lễ cáo yết, tế khai xuân, lễ rước bộ dâng văn sách từ điện Lưu Quang lên đền Thầy Chu Văn An nhằm thể hiện sự trân trọng đạo học của người dân Việt Nam.

Lễ rước bắt đầu từ điện Lưu Quang, với tuần tự đội rồng, cờ thần, trống chiêng, đội bát bửu, tiếp đó là kiệu rước Thánh nghiên, Thần bút, kiệu rước chân hương các đại danh nho của vùng đất Chí Linh, của xứ Đông và nước Việt, đội tế nam, tế nữ, đoàn đại biểu, giáo viên, học sinh sinh viên, nhân dân và du khách thập phương sẽ rước lên đền Thầy.

Sau các nghi thức đọc văn tế dâng hương, dâng văn tế lên đền đến nội dung chính là lễ khai bút với hai phần khai bút chữ Hán và chữ Quốc ngữ.

Tùy theo ý nghĩa của mỗi năm, ban tổ chức lại chọn những cụm chữ có ý nghĩa sâu sắc khác nhau.

Giá để viết chữ Hán và dãy bàn để viết chữ Quốc ngữ được đặt trang trọng trên lễ đài. Sau đó, ban tổ chức mời nhà thư pháp lên viết khai bút phần chữ Hán và các đại biểu là những cán bộ hay những nhân vật có uy tín trong xã hội lên viết khai bút chữ Quốc ngữ. Sau khi khai bút xong, chữ đó sẽ dâng rước lên đền thờ Chu Văn An.

Chữ được chọn viết thường là những chữ có hàm nghĩa đẹp, hay một bài thơ xuân để khích lệ, khơi dậy niềm mong mỏi mà người viết muốn hướng tới. Đây vừa là sở thích, thu vui tao nhã của những ngày hay chữ nhưng họ cũng gửi gắm niềm mong muốn trong năm đó sẽ gặp may mắn, hanh thông với “nghiệp” chữ nghĩa, công danh.

Thực hiện: Quốc Huy, Thanh Bình, Văn Tiến