Đó là thừa nhận từ chính miệng ông Chris Yie, Phó Chủ tịch marketing của LG, khi ông này nói với phóng viên của CNET rằng, "Chúng tôi phải công khai nói với thị trường là mình khác với Apple và Samsung".
"Xét về mặt doanh thu, chúng tôi không góp mặt trong Top 3", ông Yie nói, nhưng không quên đế thêm rằng xét về chất lượng thì công ty của ông "đủ sức". "Chúng tôi không thể học theo những gì họ đã và đang làm. Chúng tôi phải khác đi". Đó cũng chính là hy vọng của LG khi hãng này ra mắt thiết kế dạng module của con dế G5.
Các phụ kiện "Friends" của LG G5 |
Trong một ngành công nghiệp mà pin liền ngày càng phổ biến, việc pin của G5 có thể trượt ra, dễ dàng thay được là một điểm cộng. Thậm chí hãng còn đi xa hơn trong việc cho phép người dùng gắn các phụ kiện như loa và camera vào đáy điện thoại. "Bạn sẽ không bắt gặp những điều như vậy ở iPhone 6s, Galaxy S7 hay HTC M10", Yie tự tin.
Sáng tạo dường như đang là một thuật ngữ nằm ngoài tầm với của các hãng điện thoại. Dạo một vòng qua thị trường hiện nay, điện thoại gần như đang "đồng phục" về kiểu dáng và màu sắc. Dù các con dế cao cấp có nhanh hơn, camera mạnh hơn so với smartphone bình dân, thì cơ bản chúng vẫn giống nhau nhiều hơn là khác biệt. Bạn cũng có thể nhận xét tương tự như vậy về 2 hệ điều hành chính: Android và iOS.
LG tin rằng, sự bão hòa về tính năng này có thể giúp hãng bật lên. Motorola tạo được nét riêng nhờ những vỏ ốp điện thoại tùy biến màu sắc và chất liệu. Samsung gây được ấn tượng với bút cảm ứng (họ Note) hay màn hình cong (Galaxy Edge). G5 thì có thiết kế dạng module.
Nhưng một thiết kế khác biệt chưa đủ để thay đổi cuộc chơi. "Khi mà smartphone ngày càng trở thành món hàng thường nhật thì hãng chiến thắng cần phải gây dựng được quy mô tiêu thụ. Ngoại trừ Apple và Samsung, có rất ít hãng có thể đạt được sự tăng trưởng và lợi nhuận bền vững", Giám đốc Wayne Lam của hãng phân tích IHS bình luận.
Dù vậy, LG vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng thành công của G5. "Cho đến nay, phản hồi từ thị trường mạnh mẽ hơn nhiều so với chúng tôi dự kiến", ông Yie nói. Nhưng sự hào hứng đó có biến thành doanh số thực tế không thì vẫn còn phải chờ xem.
LG từ chối tiết lộ doanh số ban đầu với giới truyền thông, với lý do G5 chỉ vừa mới mở bán toàn cầu, song hãng đã tổ chức một số sự kiện ở Hàn Quốc và Mỹ với hy vọng thu hút các nhà phát triển thiết kế ra thêm nhiều module và phụ kiện cho con dế này. Tới đây, có thể họ sẽ tổ chức những sự kiện tương tự ở Nga và Ấn Độ.
Ông Yie cũng khẳng định thiết kế module và hệ sinh thái "Friends" không phải ý tưởng nhất thời mà là một phần trong chiến lược dài hạn của hãng. "Không ai dám tự tin rằng cả 9 phụ kiện Friends đều sẽ thành công. Nhưng dù thành hay bại, kính VR vẫn sẽ là một thiết bị rất quan trọng mà chúng tôi cần phải giữ trong hệ sinh thái của mình", Yie hé lộ về hướng đi tiếp theo của LG.
Chặng đường phía trước LG vẫn còn rất dài, nhất là khi G5 và Friends đã bị phản ánh những lỗi đầu tiên. Việc tháo rời module khiến điện thoại tắt ngúm, chưa kể chúng kết nối với điện thoại qua Bluetooth vừa nhanh vừa dễ hơn so với việc lắp ghép vật lý. Không ai dám chắc rằng cách tiếp cận này của LG sẽ khiến hãng thành công đột phá, nhưng công bằng mà nói, LG vẫn xứng đáng được khen ngợi vì đã nỗ lực thay đổi và làm mới.
Trọng Cầm