Dù smartphone bạn đang dùng thuộc thương hiệu đình đám nào, chỉ sau 1-2 năm máy đều có thể bắt đầu gặp trục trặc về pin (hỏng hoặc chai pin). Kết cục không may này có liên quan đến những phản ứng hóa học bên trong dế cưng của bạn.
Tại sao chỉ một năm sau khi dùng máy, smartphone của bạn dường như không thể sạc đầy pin như trước được nữa?
Hiện tượng này có liên quan đến các phản ứng hóa học bên trong viên pin lithium-ion của máy.
Khi nhìn vào bên trong một viên pin, bạn sẽ thấy các lớp khác biệt xếp thành cặp, xen kẽ với nhau.
Tất cả những vật liệu này hình thành 3 phần gồm phần "lưu trữ" năng lượng tiềm tàng (cực dương), phần thu thập năng lượng "đã sử dụng" (cực âm) và một chất polymer điện phân cung cấp đường di chuyển cho các dòng ion quan trọng giữa hai phần trên.
Một phản ứng hóa học xảy ra giữa hai cực âm và dương tạo nên năng lượng cho điện thoại.
Trước tiên, bằng cách bật điện thoại, bạn mở ra một con đường cho các dòng electron di chuyển. Các electron trong cực dương không vui vẻ, vì chúng trong tình trạng năng lượng cao.
Vì vậy, chúng di chuyển tới cực âm nhằm tìm kiếm trạng thái năng lượng thấp hơn.Sự di chuyển của các electron này đã mang tới năng lượng cho dế cưng của bạn.
Song, trong quá trình đó, những electron này cũng vứt bỏ lại các nguyên tử lithium của chúng. Những nguyên tử này hiện là các ion dương, muốn quay trở lại trạng thái tự nhiên, trung hòa về điện của chúng. Do đó, chúng xúc tiến một cuộc săn tìm các electron đã mất của mình, đang di chuyển trong chất điện phân về phía cực âm.
Tuy nhiên, khi các ion cô độc tới cực âm, chúng không thể tìm lại được các electron đã mất của mình. Vì vậy, cực âm rốt cuộc sẽ bị tích tụ các ion lithium dương và các electron phân tách của chúng.Những ion này khiến các pin lithium-ion tái sạc được.
Khi bạn kết nối pin với nguồn điện, nó làm đảo ngược quá trình đuổi bắt electron này. Các electron và ion tái đoàn tụ ở cực dương, sẵn sàng giải phóng năng lượng một lần nữa.Quá trình này được mô tả là một chu kỳ sạc đầy pin.
Mỗi lần bạn thực hiện nó, bạn làm suy giảm vật liệu trong cực âm. Điều đó đồng nghĩa, pin không thể chứa được nhiều điện tích như trước kia nữa.
Sau khoảng 400 chu kỳ sạc, pin điện thoại của bạn sẽ mất 20% khả năng sạc. Điều đó thậm chí xảy ra còn nhanh hơn nếu bạn liên tục để pin điện thoại của mình sụt xuống còn 0%. Đó là lí do tại sao các pin lithium-ion thường có tuổi thọ khoảng 2 - 3 năm.
Ngoài ra, việc liên tục để pin điện thoại của bạn tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể giảm đáng kể tuổi thọ pin.
Vì vậy, nếu muốn kéo dài tuổi thọ pin điện thoại nhất có thể, dưới đây là một số giải pháp bạn có thể thực hiện:
1. Tắt điện thoại, wifi và bluetooth khi bạn không cần chúng
2. Giữ điện thoại ở nhiệt độ phòng
3. Không nên để độ sáng ở mức 100%
4. Tắt các tính năng ngốn pin, chẳng hạn như chế độ tự phát video của Facebook
5. Sử dụng chế độ năng lượng thấp khi có thể
Tuấn Anh (theo BI)