Bất ổn thế giới tác động tới niềm tin của DN
Sản lượng lượng hàng hóa của Công ty Giao nhận Tiếp vận Quốc tế InterLOG từ đầu năm 2022 tới nay tăng hơn 23% so với cùng kỳ. Trước bối cảnh giá nhiên liệu ngày càng “đắt đỏ”, bà Trần Thanh Hòa - Phó Giám đốc Kinh doanh của InterLOG - cho biết, hoạt động logistics phải được tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí, đảm bảo cung cấp dịch vụ với giá cạnh tranh. Nhìn chung, hoạt động của DN đang phục hồi tốt.
Với vai trò là đối tác của nhiều doanh nghiệp FDI trên toàn quốc, bà Hòa cho hay, Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư có sức hút trên thị trường quốc tế và cần nắm bắt cơ hội tốt để trở thành nơi đáng tin cậy cho doanh nghiệp FDI trong thời gian tới.
Dẫu vậy, theo Chỉ số Môi trường kinh doanh (Business Climate Index - BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 4/7, niềm tin của các nhà đầu tư và DN châu Âu đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam quý II đã giảm nhẹ so với quý I. Cụ thể, BCI đã giảm 4,4 điểm % trong quý II, xuống còn 68,8 điểm.
Các yếu tố như cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, giá hàng hóa tăng đột biến và hiệu ứng gợn sóng của chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc đã làm giảm kỳ vọng của cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam.
So với quý I/2022, niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam của lãnh đạo các DN châu Âu đã giảm xuống. 60% số người được hỏi dự đoán rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ ổn định hoặc cải thiện trong quý III/2022, con số này quý trước đó là 69%.
Tại hội thảo khoa học quốc gia do Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng - cũng đánh giá, từ đầu năm tới nay, xuất hiện nhiều yếu tố mới khiến thế giới rơi vào tình trạng biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ, cản trở sự phục hồi kinh tế - xã hội.
Theo ông Kiên, căng thẳng địa chính trị gia tăng làm thay đổi các giá trị kinh tế cơ bản được thiết lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hóa sâu rộng trong khoảng 30 năm trở lại đây. Tình trạng này cản trở của những nỗ lực trên phạm vi toàn cầu trong xử lý những vấn đề như đại dịch Covid-19, nghèo đói, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Sự bất bình đẳng trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch đã bộc lộ rõ rệt khi nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn do chịu tác động gián tiếp từ xung đột quân sự Nga - Ukraine.
Rào cản thủ tục hành chính, hạ tầng
Để có dữ liệu cho BCI, EuroCham mời hơn 1.200 thành viên đang hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực tại Việt Nam, cung cấp thông tin cập nhật hằng quý về tình hình kinh doanh và những dự báo cho các DN của họ tại Việt Nam.
Cuộc khảo sát, chỉ ra, các rào cản đối với đầu tư của châu Âu vào Việt Nam và thương mại giữa hai bên. 35% số người được hỏi cho rằng, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính là cách hiệu quả nhất để tăng vốn FDI. 24% số người nhận định, phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là nhân tố chính.
Tương tự, 45% số người tham gia khảo sát đánh giá khó khăn chính mà các công ty nước ngoài gặp phải liên quan tới các thủ tục hành chính, làm cản trở khả năng tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Bình luận về kết quả BCI quý II/2022, Chủ tịch EuroCham - ông Alain Cany cho rằng, tuy niềm tin của lãnh đạo DN châu Âu giảm nhẹ nhưng các yếu tố ảnh hưởng hầu hết nằm ngoài Việt Nam. Đặc biệt, một liên hoàn các ngoại tố đang góp phần gây ra bất ổn kinh tế toàn cầu. Vấn đề này không phải của riêng Việt Nam.
Mặt khác, BCI cũng đưa ra con số thống kê, 45% số người tham gia khảo sát cảm thấy rất hài lòng hoặc hài lòng với nỗ lực thu hút và giữ vốn FDI của Việt Nam. 76% số người kỳ vọng công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III/2022. Điều này có thể do 55% số người cho rằng Việt Nam đã cải thiện khả năng thu hút và duy trì vốn FDI kể từ quý I/2022. Hiện, BCI quý II/2022 vẫn cao hơn 7,6 điểm % so với quý IV/2021 (61 điểm).
Còn báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy, tính đến 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn, song vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 65,6% và 41,4%. Vốn thực hiện của dự án FDI đạt gần 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam - ông Thue Quist Thomasen, kết quả BCI chỉ ra sự giảm điểm nhẹ trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa và trở lại hoạt động kinh doanh bình thường. Việc duy trì lạm phát ở mức gần mục tiêu và sự cải thiện trong xếp hạng tín dụng là một minh chứng mạnh mẽ. Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam vẫn ổn định trong bối cảnh đầy biến động nên nguồn vốn FDI vẫn được duy trì.