Tuy nhiên, yêu cầu của các doanh nghiệp FDI về nhà cung cấp chủ yếu xoay quanh chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng, yếu tố công nghệ.... Trong đó, vấn đề về giá và quản trị các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa cạnh tranh so với doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan.
Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp thiếu các công đoạn gia công để có cụm hoàn chỉnh, chủ yếu sản xuất các linh kiện rời. Với nguồn tài chính và quản trị còn kém, doanh nghiệp khó có thể tăng quy mô sản xuất hoặc thăng cấp từ nhà cung ứng cấp 2 lên cấp 1, đầu tư nâng cao năng lực...
"Vì lý do này mà thời gian qua, việc liên kết doanh nghiệp trong nước với khối FDI còn rất khiêm tốn", bà Trương Chí Bình nói.
Qua khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các doanh nghiệp là nhà cung ứng luôn mong được giảm chi phí sản xuất thông qua tiếp cận tín dụng ưu đãi hơn, quản trị tinh gọn hoặc được tiếp cận, đào tạo sản xuất với các tiêu chuẩn quốc tế, quy trình quản lý, năng lực thương mại và kết nối với nhau.
Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng muốn tăng quy mô doanh nghiệp thông qua đầu tư mới cho công nghệ, nhà xưởng và liên kết cụm doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh.
Bà Trương Chí Bình nhấn mạnh: “Để giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, Nhà nước cần hỗ trợ họ nâng cao năng lực thông qua các chính sách khuyến khích chuyển đổi số, đầu tư vào sản xuất điện tử”.
Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích doanh nghiệp FDI nội địa hóa bằng các chính sách về thuế, lao động, ưu tiên thu hút các FDI có định hướng rõ ràng về nội địa hóa.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh và Đối ngoại, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam chia sẻ: sản lượng sản xuất tính trên mỗi mẫu xe tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia nên rất khó để nội địa hóa do thiếu quy mô sản xuất tập trung.
“Chúng tôi khảo sát cho thấy, ở Việt Nam chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp cung ứng tuyến dưới, trong khi Thái Lan là hơn 3.000 doanh nghiệp. Ở Việt Nam, có đến 80-85% linh kiện cho sản xuất xe ô tô trong nước là nhập khẩu, trong khi Thái Lan chỉ nhập khẩu 10%. Việt Nam yếu ở ngành công nghiệp nguyên vật liệu (thép, nhựa), trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao, quy mô thị trường nhỏ...”, ông Hiếu nói.
Những yếu tố này khiến chi phí sản xuất linh kiện cao. Tuy vậy, Việt Nam cũng có những lợi thế như nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí vận chuyển tới nhà máy sản xuất xe thấp hơn so với nhập khẩu.
Để hỗ trợ các nhà cung cấp Việt Nam, thời gian qua, Công ty đã tăng cường nội địa hóa bằng cách thiết lập phòng phát triển nhà cung cấp và làm việc cùng nhau, để từng bước phát triển năng lực của họ.
Công ty phát triển năng lực cho nhà cung cấp từ cơ sở nền tảng đến kỹ năng và hiệu suất trong công việc; áp dụng "dòng chảy sản xuất" đối với các nhà cung cấp linh kiện dập để cải thiện sơ đồ các vị trí xưởng dập... Nếu năm 2010, Công ty chỉ có 13 nhà cung cấp thì đến năm 2020 đã có 46 nhà cung cấp; trong đó 6 nhà cung cấp thuần Việt.
Ông Harsono, Phòng Quan hệ đối ngoại, Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp chế tạo ô tô Indonesia chia sẻ: hàng năm, các đơn vị sẽ có kế hoạch hành động như đào tạo chuyên gia từ sơ cấp, cao cấp đến cấp quốc gia. Các chuyên gia này sẽ tới những doanh nghiệp và giúp họ phát triển, cải thiện hệ thống, chất lượng sản xuất từ cấp thấp lên cao.
"Chúng tôi xây dựng bộ tiêu chuẩn năng lực quốc gia cho sản xuất tinh gọn; chương trình đào tạo theo từng cấp độ từ 0 đến 5; trong đó, cấp độ tối thiểu để cung ứng cho ô tô là cấp độ 3 - sản xuất ổn định với những tiêu chuẩn kèm theo. Có như vậy, các doanh nghiệp sẽ biết mình nằm ở đâu và phải nâng cấp năng lực từng bước như thế nào", ông Harsono nói.
Ông Lê Hoàng Tài, Cục phó Cục xúc tiến (Bộ Công Thương) đánh giá về sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam. Trên trường quốc tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực với mức tăng trưởng kinh tế sơ bộ bình quân giai đoạn 2011 – 2020 là 5,95%.
Những thành tựu này là kết quả của quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đã tạo ra nền tảng trong phát triển kinh tế – xã hội nước ta. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như là xương sống của nền kinh tế, mang lại động lực và dẫn dắt sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Ngành công nghiệp chế tạo đã tạo sức hấp dẫn và thu hút lượng lớn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Nguồn vốn FDI đầu tư vào ngành luôn tăng trưởng với mức cao. Số lượng dự án và vốn đăng ký giai đoạn 2011 -2020 trong các ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, điện tử, công nghệ thông tin, sản xuất thép, xi măng, dệt may, da giầy… với sự xuất hiện của nhiều công ty đa quốc gia hàng đầu của thế giới như Tập đoàn Sam Sung, Toyota, Honda, LG… Tính riêng trong năm 2020, mặc dù số lượng các dự án đầu tư vào Việt Nam có giảm do dịch bệnh COVID-19 nhưng ngành chế biến chế tạo vẫn thu hút khoảng 828 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt gần 14,8 tỷ USD, chiếm 31,7% về số dự án đầu tư và 47,6% về vốn vào các ngành y tế.
Nhờ thu hút được lượng lớn các vốn FDI, ngành chế biến chế tạo đã góp phần vào nâng cao trình độ sản xuất, xây dựng mô hình tiên tiến, phương thức kinh doanh hiện đại, khai thác tiềm năng và huy động các nguồn lực tốt hơn cho quá trình sản xuất trong nước.
Thanh Nguyễn