Australia và Ấn Độ đang thắt chặt quan hệ quân sự và làm sống lại ý niệm về một liên minh gồm bốn nền dân chủ (cùng Nhật và Mỹ) đối phó với những quan ngại ngày càng lớn từ phía TQ.


{keywords}
Thủ tướng Australia Tony Abbott và người đồng cấp Nhật Shinzo Abe. Ông Abbott mô tả Nhật là "người bạn tốt nhất ở châu Á" của Australia. Ảnh: Getty Images  

Động lực hướng tới những cuộc diễn tập hải quân song phương Ấn - Úc, trao đổi thông tin tình báo và cả một thỏa thuận an ninh cho xuất khẩu uranium đang được thúc đẩy mạnh mẽ khi lãnh đạo Ấn Độ - ông Narendra Modi - dự kiến trong tháng 11 sẽ trở thành vị thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ thăm Australia kể từ năm 1988.

Quan hệ quân sự Ấn - Úc còn được tăng cường trước những thách thức ngày một leo thang của TQ với nhiều láng giềng phía đông và nam châu Á và với những gì mà Mỹ cũng như Australia luôn kêu gọi về "tự do hàng hải".

Đề cập tới căng thẳng nói trên, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã nói về nỗi ám ảnh của Thế chiến I và cảnh báo rằng "sự cố ngẫu nhiên có thể nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát để trở thành xung đột lớn". 

Thậm chí vào ngày 10/7, bà còn thẳng thừng tuyên bố, Australia sẽ đương đầu với TQ để bảo vệ hòa bình, giá trị tự do và thượng tôn pháp luật. Ngoại trưởng Úc khẳng định, TQ sẽ coi thường các quốc gia tỏ ra yếu đuối. Sự im lặng sẽ chỉ khiến TQ lấn tới.

Bộ trưởng Truyền thông Australia Malcolm Turnbull cho rằng, các hành động của TQ đang khiến những nước cựu thù xích lại gần nhau. 

"Hậu quả là giờ đây những láng giềng của TQ đang xích lại gần hơn với Mỹ hơn bao giờ hết", ông nói.

Cho tới nay, Ấn Độ phản ứng khá "khiêm tốn" với những vụ xâm nhập của lính TQ qua "đường kiểm soát thực tế" trải dài 4.000km dọc theo dãy Himalaya. Tuy nhiên, nhiều quan chức Ấn Độ cho biết, ông Modi đang cân nhắc một chính sách chiến lược mới, mạnh mẽ và cứng rắn hơn để ngăn chặn việc này. 

"Phản ứng lần sau sẽ không tránh né hay ôn hòa nữa", MJ Akbar - người phát ngôn cho đảng Bharatiya Janata của ông Modi nói. Ông này đề cập tới việc lính TQ xâm nhập qua biên giới Ấn Độ năm trước.

Trong khi ra tín hiệu về những phản ứng cứng rắn hơn, thì New Delhi cũng đang góp phần tạo dựng mạng lưới an ninh kéo dài về phía đông xuyên qua Ấn Độ - Thái Bình Dương và về phía nam tới Australia.

"Mọi người đều tin rằng, chúng ta cần một liên minh đối kháng rất mạnh mẽ trong khu vực để cân bằng với TQ - không phải là 'kiềm chế' TQ - và Australia đóng một vai trò rất quan trọng", Shyam Saran, Chủ tịch ủy ban cố vấn an ninh quốc gia thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Ấn Độ cho biết.

Ý tưởng liên minh dân chủ xuất hiện cách đây một thập niên trong một cuộc họp qua điện thoại do Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là ông Colin Powell khởi xướng. 

Theo các quan chức giấu tên thông hiểu nguồn tin cuộc họp, ông Powell đã huy động các đối tác Nhật, Ấn Độ và Australia cho một chiến dịch nhân đạo để ứng phó nhanh hơn cả LHQ hay TQ. Ý tưởng lúc ấy gọi là "đối thoại an ninh tứ giác".

"Tinh thần của một liên minh linh hoạt cho hợp tác và đối thoại đang trở lại", giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Lowy, Rory Medcalf, nói. Ông nhấn mạnh, đây là thời điểm "then chốt" trong quan hệ Australia với Ấn Độ.

Ý tưởng xây dựng liên minh lần nữa thu hút sự chú ý kể từ lúc TQ công bố một bản đồ chính thức mới, nuốt trọn hầu hết Biển Đông, gồm cả vùng tranh chấp với Nhật cũng như thể hiện những khu vực rộng lớn bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ như là những phần thuộc lãnh thổ TQ.

Các quan chức New Delhi nói rằng, ông Modi đang có lập trường quả quyết hơn so với thời điểm nhậm chức hồi tháng 5. "Narendra Modi đưa ra các ưu tiên khác nhau về tăng trưởng kinh tế, quản trị tốt và trên tất cả là an ninh quốc gia", một quan chức tình báo cấp cao đã nghỉ hưu của Ấn Độ nói.

Thái An (Theo huffingtonpost)