Ngày 7/4, Công an tỉnh Đồng Nai tống đạt lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở của Trần Huy Lập (sinh năm 1960) về tội Buôn lậu. Ông Lập là người đại diện theo pháp luật, kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm.

Doanh nghiệp này được thành lập vào ngày cuối cùng của năm 2013 với 6 cổ đông, đặt trụ sở tại 60A đường Hoàng Quốc Việt, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM. Lần gần nhất Công ty Phúc Lâm đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp vào ngày 29/6/2020, tăng vốn điều lệ từ 55 tỷ đồng lên 153 tỷ.

Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Nhiên liệu Phúc Lâm đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan, cụ thể là bán buôn than đá và nhiên liệu rắn khác; dầu thô; xăng dầu và các sản phẩm liên quan (trừ kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng lpg và dầu nhớt cặn); bán buôn khí đốt và các sản phẩm liên quan (không hoạt động tại TP.HCM).

{keywords}
Công an khám xét Công ty cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm. Ảnh: T.L.

Ngoài ra, công ty của ông Lập còn đăng ký thêm tới 44 lĩnh vực kinh doanh khác. Có thể kể đến vận tải hàng hóa bằng đường bộ; nuôi trồng thuỷ sản biển; bán buôn ôtô và xe có động cơ khác; xây dựng nhà để ở; lắp đặt hệ thống điện; kho bãi và lưu giữ hàng hóa.

Trước thời điểm ông Lập bị bắt, kết quả kinh doanh của Nhiên liệu Phúc Lâm tăng trưởng ổn định. Năm 2016, doanh thu thuần ở mức 589 tỷ đồng, lãi gộp 8 tỷ, tương ứng với biên lợi nhuận gộp chỉ khoảng 1,3% (rất thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành). Công ty báo lỗ 32 triệu đồng.

Đến năm 2017 và 2018, nguồn thu của doanh nghiệp cải thiện dần lên 1.029 tỷ đồng rồi 1.042 tỷ, lợi nhuận gộp của hai năm này cùng ở mức 9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế từ âm 500 triệu đồng trong năm 2017 thành lãi 100 triệu đồng vào năm 2018.

Sang năm 2019, doanh thu công ty của ông Trần Huy Lập bất ngờ tăng hơn gấp đôi, lên tới 2.260 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp vẫn chỉ vỏn vẹn 14 tỷ đồng (giá vốn hàng bán chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu). Nhiên liệu Phúc Lâm lúc này lãi 1,7 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này đạt 311 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 55 tỷ, chiếm 18%.

{keywords}
 

Hiện tại, trang web của Công ty cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm rơi vào tình trạng không thể truy cập được.

Tổng giám đốc Nhiên liệu Phúc Lâm bị bắt trong thời điểm Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an mở rộng điều tra chuyên án buôn lậu xăng dầu giả.

Quá trình điều tra mở rộng, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Công an TP.HCM, công an các tỉnh Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, khám xét thêm 9 địa điểm là trụ sở công ty, nhà ở và các cây xăng của Công ty Phúc Lâm.

Trước đó, Công an Đồng Nai đã lập chuyên án 920G, triệt phá đường dây buôn lậu, sản xuất 200 triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP.HCM) cầm đầu.

Đêm 6/2, cảnh sát đồng loạt khám xét các cây xăng, kho hàng tại Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, cơ quan điều tra thu giữ 2 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 5 sà lan có tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn, 6 xe bồn, gần 2,7 triệu lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỷ đồng...

Đường dây này bị cáo buộc cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả ra thị trường mỗi ngày. Từ tháng 8/2020 đến khi bị phát hiện, 200 triệu lít xăng giả đã được nhóm nghi phạm cung cấp ra thị trường.

Cơ quan điều tra cho biết kết quả giám định các mẫu nhiên liệu thu được đều là xăng giả.

(Theo Zing)