Bắc Kinh có thể sẽ kết luận rằng ngoại giao kiên nhẫn chờ thời sẽ chấm dứt sứ mệnh của nó ở Biển Đông. Trong con mắt của người Trung Quốc, giờ tốt hơn cả là hành động và chiếm đoạt trước để giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh.

>> Kỳ 1: Thời khắc trỗi dậy của quân đội TQ ở Biển Đông?

Các mưu đồ của Trung Quốc đối với Biển Đông được thực thi gần như xuyên suốt qua hàng thập kỷ. Bản đồ đường  chín đoạn đã được vẽ từ những năm 40 của thế kỷ 20 chứ không phải mới được tưởng tượng ra trong những năm gần đây. Chính quyền Tưởng Giới Thạch đã cho xuất bản tấm bản đồ này trước khi đào thoát sang Đài Loan và chính quyền cộng sản Trung Quốc đã kế thừa nó.

Hiện nay cũng như trước kia, tấm bản đồ thể hiện gần trọn lợi ích và tham vọng của Trung Quốc. Trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên nằm dưới đáy biển đã ám ảnh nhiều người - đặc biệt là Đặng Tiểu Bình, cha đẻ của chương trình cải cách và mở cửa kinh tế của Trung Quốc. Xăng dầu và các nguyên liệu thô cho đến nay vẫn đóng vai trò sống còn đối với chương trình phát triển đất nước mà Đặng đã phát động cách đây ba thập kỷ.

Động cơ ngăn chặn sự bao vây của siêu cường cũng ảnh hưởng tới chiến lược của Trung Quốc. Cuối thập kỷ 70, Đặng đã đi tới chỗ tin rằng Liên Xô đang theo đuổi "chiến lược quả tạ", được thiết kế nhằm đưa hải quân Liên Xô trở thành lực lượng thống trị ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Eo biển Malacca trở thành rào chắn giữa hai sân khấu. Để kết nối chúng, Moscow đã thương lượng để giành quyền đồn trú ở Cam Ranh và Đà Nẵng. Bắc Kinh tin rằng sự kiện trên báo hiệu cho một liên minh Việt - Xô. Do đó, PLA đã phát động một cuộc chiến tranh xâm lược qua biên giới Việt Nam vào năm 1979, chủ yếu nhằm mục đích làm bẽ mặt Moscow với tư cách người bảo vệ của Hà Nội.


Ảnh minh họa: The Diplomat

Giờ đây, Bắc Kinh cũng có thể nhìn nhận chiến lược hải dương của Hoa Kỳ năm 2007 như một sự trở lại "chiến lược quả tạ" của Moscow năm xưa - nhằm mục tiêu duy trì và mở rộng vị thế độc tôn của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. (Chiến lược hàng hải Hoa Kỳ 2007 là tuyên bố chính thức của Hải quân, lực lượng lính thủy đánh bộ và Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ về việc các lực lượng biển nước này đánh giá như thế nào về môi trường chiến lược và sẽ quản lý nó ra sao - NV). Các chiến lược gia Trung Quốc liên tục tỏ ra bực bội với sự bao vây của Mỹ, đặc biệt là khi Mỹ tuyên bố xoay trục về châu Á. Đối với Trung Quốc thì dường như kịch bản xưa cũ nay đã trở lại.

Chúng ta cũng không nên bỏ qua một điều rằng thể diện cũng là một động cơ phía sau các hành động của Bắc Kinh. Lấy lại thể diện và danh dự của Trung Quốc sau "một thế kỷ bị sỉ nhục" trong tay những kẻ chiếm đóng đã trở thành nguồn năng lượng cho các hành động của Trung Quốc vào năm 1974 và 1979. Tâm thức này vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay. Biển tạo ra một phần của cái mà người Trung Hoa xem như là vùng ảnh hưởng lịch sử của đất nước họ. Do đó, họ cho rằng Trung Quốc phải trở nên vượt trội ở những khu vực bành trướng này.

Những kỳ vọng đang cao ngất trời trong dân chúng Trung Quốc.  Khi đã thường xuyên mô tả các yêu sách lãnh thổ biển của mình như là chủ quyền không thể tranh cãi, đánh cược uy tín của đất nước vào việc tranh giành quyền kiểm soát những khu vực tranh chấp  và kích động tình cảm dân chúng với tầm nhìn về một cường quốc hải dương hùng mạnh, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ đẩy các yêu sách của họ trở lại vùng nguy hiểm. Bởi thế mà họ phải giải tỏa chúng, bằng cách này hay cách khác.

Và họ có các phương tiện để làm như vậy. Trung Quốc đã tích lũy được sức mạnh quân sự và hải quân vượt trội so với bất kỳ đối thủ nào ở Đông Nam Á. Philippines không có lực lượng không quân đáng để nói đến, trong khi những con tàu phòng thủ bờ biển già cỗi của Hoa Kỳ để lại là những tàu chiến mạnh nhất của họ. Ngược lại, Việt Nam, có chung biên giới với Trung Quốc và sở hữu một quân đội có sức mạnh ghê gớm. Năm ngoái, Hà Nội đã công bố kế hoạch củng cố sức mạnh hải quân của mình thông qua dự án mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Các tàu ngầm này được vũ trang ngư lôi và tên lửa hành trình chống tàu. Một phi đội Kilo sẽ mang đến cho hải quân Việt Nam năng lực "đánh phủ đầu trên biển" . Nhưng Nga vẫn chưa bàn giao tàu ngầm cho Việt Nam, nghĩa là hiện nay Hà Nội chỉ có thể chống chọi yếu ớt với bất kỳ cuộc tấn công hải quân nào của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc càng có thêm lý do để nỗ lực giữ chặt những thắng lợi của mình trước khi các đối thủ Đông Nam Á bắt đầu đáp trả một cách hiệu quả.

Vì vậy, cánh cửa cơ hội cho đến nay vẫn đang mở ra cho Bắc Kinh. Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã đẩy lùi được nỗ lực đoàn kết ASEAN để xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Washington mới đây đã công bố chiến lược "tái cân bằng" của hải quân Mỹ, theo đó sẽ chuyển 60% các hạm đội đến Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Mặc dù vậy, chiến lược tái cân bằng vẫn đang là một nỗ lực khiêm tốn. Thực tế là hơn một nửa lực lượng hải quan Hoa Kỳ đang  hiện diện ở khu vực này rồi, và sự tái cân bằng sẽ diễn ra theo tiến độ từ từ trong vòng 8 năm tới.

Cũng như vậy, bốn chiếc tàu chiến Mỹ sẽ cập bến Singapore (chiếc đầu tiên dự kiến sẽ đến vào mùa xuân tới) sẽ giúp tái cân bằng ở Đông Nam Á. Những chiếc tàu này không được thiết kế để chiến đấu chống lại đội tàu của hải quân PLA. Nhưng một khi đã xác lập được nguyên tắc mà hầu hết hải quân Mỹ nên gọi Thái Bình Dương và Châu Á là nhà, Washington sẽ luôn có khả năng tăng tốc tiến trình tái cân bằng, dịch chuyển nhiều lực lượng sang đây và thậm chí có thể thương lượng với các nước để lập căn cứ đồn trú quân sự. Bắc Kinh hiểu rất rõ điều này.

Bắc Kinh có thể sẽ kết luận rằng ngoại giao kiên nhẫn chờ thời  sẽ chấm dứt  số mệnh của nó ở Biển Đông. Trong con mắt của người Trung Quốc, giờ tốt hơn cả là hành động và chiếm đoạt trước để giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh. Bài học của năm 1974: Thời gian là tất cả.

Minh Nguyên dịch theo Jim Holmes/ Foreign Policy