Âm nhạc được cho là xuất hiện ngay khi con người có mặt trên Trái Đất hàng trăm triệu năm về trước. Đến nay, chúng ta vẫn coi âm nhạc như một phần không thể tách rời trong đời sống tinh thần, ở bất kì vùng đất hay quốc gia nào, không phân biệt tín ngưỡng hay tôn giáo, dân tộc.
Ngày nay, người ta có thể dễ dàng thưởng thức âm nhạc mọi lúc, mọi nơi chỉ bằng những chiếc điện thoại di động thông minh với dung lượng lớn và chất lượng âm thanh tốt. Và chính sự ra đời, cải tiến liên tục của điện thoại đã dần thay thế vai trò của radio, CD hay máy nghe nhạc MP3, kể cả đó có là ipod đi chăng nữa. Bằng chứng là từ năm 2009, doanh số các sản phẩm máy nghe nhạc của Apple đã liên tục sụt giảm, hàng triệu đơn vị mỗi quý.
Tuy nhiên, hẳn ký ức về những chiếc máy nghe nhạc cầm tay vẫn chưa phai nhòa với thế hệ 8X khi vài chục năm về trước, chúng không chỉ tạo nên cơn sốt mà thậm chí còn là phương tiện để khoe khoang điều kiện khá giả của chủ nhân. Hẳn sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến Walkman, máy nghe nhạc cầm tay đầu tiên trên thế giới đã tạo nên một biến chuyến lớn trong cách con người thưởng thức âm nhạc.
Ra đời từ nhu cầu muốn nghe nhạc opera của nhà sáng lập
Vào ngày 1 tháng 7 năm 1979, Sony Corp chính thức giới thiệu Sony Walkman TPS-L2, máy nghe băng cầm tay 14 ounce, màu xanh và bạc, có nút bấm chunky, tai nghe và bao da, được bán với mức giá 150 USD. Nó thậm chí còn có giắc cắm tai nghe thứ hai để hai người có thể nghe cùng một lúc.
Walkman - chiếc máy nghe nhạc cầm tay đầu tiên trên thế giới, do Sony sản xuất.
Ý tưởng sáng tạo ra thiết bị này bắt nguồn từ mong muốn được nghe opera từ một thiết bị nhỏ gọn hơn so với dòng cassette TC-D5 hiện thời của nhà đồng sáng lập Sony, Masaru Ibuka. Từ đó, phiên bản đầu tiên của Walkman đã được chế tạo bằng cách thay thế bộ phận thu âm và phát âm của Pressman (ra mắt năm 1977) với một thiết bị khuếch đại âm thanh nổi, bởi nhà thiết kế Norio Ohga của công ty để kịp phục vụ cho chuyến bay sau đó của Ibuka.
Từ không được công chúng đón nhận…
Tháng đầu tiên sau khi ra mắt, doanh số của Walkman đã gây thất vọng khi chỉ có 3000 chiếc được bán ra, không đủ để bù đắp chi phí sản xuất vì giá thành thấp. Không chịu nhìn một sản phẩm mới đầy tiềm năng bị hắt hủi, Sony bắt đầu chiến dịch quảng bá rộng rãi. Nhân viên của công ty đã ra ngoài đường cùng với những chiếc Walkman và tai nghe để giới thiệu đến công chúng, cung cấp cho họ trải nghiệm phương tiện nghe nhạc mới miễn phí.
… đến nhu cầu cao hơn dự kiến
Nhờ chiến dịch tiếp thị hiệu quả, nhu cầu về chiếc máy nghe nhạc thế hệ mới bắt đầu tăng mạnh. Sony dự tính đưa Walkman ra quốc tế vào tháng 9, chỉ 2 tháng sau khi phát hành tại quê nhà nhưng do nhu cầu ở Nhật Bản tăng mạnh, việc phát hành quốc tế đã bị trì hoãn để phục vụ người tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, khách du lịch nước ngoài cũng như nhân viên hàng không lại cố gắng thu mua thiết bị này càng nhiều càng tốt để sau đó bán lại ở nước ngoài khiến cầu càng tăng cao.
Walkman nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu thành công nhất mọi thời đại của Sony. Tính đến 31 tháng 3 năm 2009, đã có 385 triệu máy nghe nhạc cầm tay Walkman được bán ra, 200 triệu trong số đó là máy nghe băng cassette.
Hiệu ứng Walkman
Giáo sư Shuhei Hosokawa là người đã đặt ra thuật ngữ "Hiệu ứng Walkman", với nhận định rằng những thiết bị như Walkman có khả năng thay đổi cảnh quan đô thị vì mọi người sẽ ít tham gia vào môi trường xung quanh và tập trung vào hoạt động cá nhân trong thế giới của riêng mình.
Trước khi Walkman ra đời, Boombox và radio cầm tay đã xuất hiện và khá phổ biến. Nhưng chỉ đến khi thiết bị của Sony xuất hiện, một cuộc cách mạng trong cách con người nghe nhạc mới thực sự nổ ra. Walkman đã biến việc thưởng thức âm nhạc trở thành một điều riêng tư, tạo nên một kỷ nguyên mới, nơi mà chúng ta có thể nghe nhạc ở bất kì đâu chứ không chỉ ở nhà, bên cạnh những thiết bị cồng kềnh trước kia.
Những chiếc Walkman nhỏ gọn, có thể mang theo bên người cùng tai nghe đã thay đổi hoàn toàn trải nghiệm nghe nhạc lúc ấy.
Walkman cũng được coi là tạo ra cơn sốt thể dục nhịp điệu và giúp nhiều người trở nên khỏe mạnh hơn. Từ 1987-1997, thời kỳ Walkman "gây bão" trên toàn cầu, số người khẳng định họ bắt đầu đi bộ, tập thể dục tăng đến 30%.
Việc cá nhân hóa việc nghe nhạc ở bất cứ đâu phổ biến đến nỗi nhu cầu về băng cassette cũng tăng mạnh và lần đầu tiên vào năm 1983, băng cassette đã bán chạy hơn vinyl. Phần lớn thành công này được cho là do sự phổ biến của Walkman, bên cạnh ưu điểm về khả năng lưu trữ và thời gian nghe nhạc lâu hơn.
Nhu cầu băng cassette tăng nhờ sự phổ biến của máy nghe nhạc Walkman.
Cũng chính sự ra đời của Walkman đã giúp cho tai nghe với giắc cắm 3,5mmm trở nên phổ biến hơn khi dù có lịch sử từ năm 1910 nhưng nó chủ yếu chỉ được dùng bởi hải quân, đài phát thành Hoa Kỳ hay máy trợ thính.
Đến năm 1990, Sony đã phát hành hơn 80 mẫu Walkman khác nhau và tới ngày hôm nay đã có tổng cộng 300 biến thể, bao gồm các phiên bản sử dụng năng lượng mặt trời, chống nước, điều khiển từ xa,…
Thời huy hoàng vụt tắt - hệ quả tất yếu của sự phát triển
Trong một thế giới mà xu hướng biến đổi từng ngày, đặc biệt là công nghệ thì sự đào thải những sản phẩm cũ, công nghệ cũ là điều không thể tránh khỏi. Walkman cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Sự ra đời của CD, DAT, máy nghe nhạc MP3 hay Ipod đã khiến sản phẩm của Sony trở nên lỗi thời. Năm 2010, sau hơn 3 thập kỷ làm thế giới sục sôi, Sony phải ngậm ngùi tuyên bố ngừng sản xuất thiết bị nghe nhạc bằng băng cassette này tại Nhật Bản.
4 năm sau, Walkman được hồi sinh một lần nữa khi nó bất ngờ được nhân vật chính trong bộ phim Marvel Guardians of the Galaxy sử dụng. Sau khi bộ phim ra mắt, giá của Walkman cũ đã tăng đáng kể nhờ xu hướng retro này.
Chiếc Walkman xuất hiện trong bộ phim của Marvel.
Giờ đây, những chiếc điện thoại thông minh cùng vô số phần mềm nghe trực tuyến cũng đang thay đổi cách con người thưởng thức âm nhạc một lần nữa và khiến Walkman đi vào dĩ vãng. Nhưng nhân kỷ niệm 40 năm ngày Walkman ra đời, hãy cùng nhau ôn lại những kí ức đẹp đẽ và dành cho biểu tượng của thập niên 80, của những 8X đời đầu một sự biết ơn và trân trọng nhé!