Sau việc Nhật Bản tạm ngưng giải ngân ODA trong dự án dính tiêu cực đường sắt nội đô hôm 2/6, phía Việt Nam đã có những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện tình hình, minh bạch hoá đấu thầu và tài chính công. Đây có thể xem là ‘liều thuốc đắng’ để tăng hiệu quả quản lý ODA.
Bài học từ sự quyết liệt
Trao đổi với VietnamNet, ông Nguyễn Xuân Tiến , Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch đầu tư chính thức xác nhận, Nhật Bản chỉ tạm ngưng giải ngân ODA các hợp đồng bị phát hiện có tiêu cực trong vụ việc trên và yêu cầu chúng ta tiếp tục tiến hành điều tra thêm ở các dự án khác của JTC và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Đối các dự án mới, Nhật Bản cho biết sẽ phê duyệt sau khi Việt Nam tiến hành điều tra sự thật liên quan đến vụ việc tiêu cực, xử lý các cá nhân có liên quan và thông qua xây dựng các biện pháp phòng ngừa phát sinh những vụ việc tương tự.
Nói cách khác, tiến độ cấp vốn ODA tới đây từ Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam sẽ xử lý vụ việc tiêu cực trên như thế nào.
Mặc dù vậy, ông Tiến khẳng định: "Việc này sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn ODA năm nay của Việt Nam. Bởi vì, phần hợp đồng tư vấn của nhà thầu JTC rất nhỏ, chỉ chiếm 10% tổng giá trị dự án".
Dự án giao thông nguồn vốn từ ODA Nhật Bản |
Tháng 12/2008, lần đầu tiên, Nhật Bản đình hoãn giải ngân vốn ODA cho Việt Nam. Quyết định này được đưa ra sau nghi án Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật Bản (PCI) - đơn vị đã trúng thầu hợp đồng giám sát thi công dự án Đại lộ Đông- Tây (trị giá 3,1 tỷ Yên) và dự án môi trường nước tại Tp HCM - đã "lót tay"tới 26 triệu Yên cho quan chức Việt Nam. Kết cục, vị quan chức nhận hối lộ- ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tp HCM đang phải nhận hình phạt thích đáng là án tù 20 năm.
Tháng 3/2009, việc cung ứng vốn ODA cho Việt Nam mới được Nhật Bản nối lại.
4 năm sau, năm 2012, vốn ODA lại gặp chuyện. Đan Mạch tạm dừng hoạt động ở 3 dự án ODA trong lĩnh vực biến đổi khí hậu của Việt Nam, sau khi Công ty Kiểm toán Price Waterhouse Coopers (PWC) đặt ra nghi vấn sử dụng sai mục đích 11,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các đơn vị liên quan dự án của Việt Nam cho rằng, có sự hiểu nhầm của cơ quan kiểm toán quốc tế. Sau vụ việc này, may mắn là phía Đan Mạch vẫn luôn cung ứng ODA cho Việt Nam bình thường.
Mới đây, 6 vị lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam đã bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ, khởi tố hình sự sau khi Chủ tịch Tổng công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) khai nhận đưa hối lộ tới 80 triệu Yên cho quan chức Việt Nam để được trúng thầu dự án ODA.
Tính đến nay, vốn vay ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam đã đạt khoảng 24 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng vốn ODA của cộng đồng các nhà tài trợ đối với Việt Nam. Riêng năm 2013, cam kết ODA của Nhật Bản cho Việt Nam vay là gần 2 tỷ USD, lớn nhất trong các nhà tài trợ.
Nhật Bản vẫn đánh giá, Việt Nam là nước có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong tất cả các quốc gia tiếp nhận ODA của Nhật. Ngược lại, tại Việt Nam, vốn ODA từ Nhật Bản cũng đạt mức giải ngân khá nhất so với các nguồn ODA khác. Trong năm tài khoá vừa qua, tỷ lệ giải ngân ODA Nhật Bản đạt 20,3%.
Tăng cường hậu kiểm
Ts Lê Đăng Doanh cho rằng: "sự vụ lần này là liều thuốc đắng để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc đẩy mạnh việc phòng chống tham nhũng cho các dự án ODA nói chung, đòi hỏi chúng ta phải có phản ứng nhanh nhạy, kịp thời".
Theo TS Doanh, Đảng và Chính phủ đã có những chỉ đạo mạnh mẽ về vấn đề chống tham nhũng. Các cơ quan thực thi cần phải cụ thể hoá chỉ đạo này, biến thành hành động ngay. Trong đó, vai trò giám sát của của Quốc hội phải được tăng cường hợp, việc điều tra giám sát các dự án ở tất cả các khâu phải được cải tổ lại, minh bạch, công khai một cách tích cực, đúng tầm với tình hình hiện nay."
Phó Vụ trưởng Nguyễn Xuân Tiến cho biết, sắp tới, bộ KHĐT sẽ hợp tác với JICA hậu kiểm một số gói thầu tại một số dự án ODA của Nhật Bản. Đồng thời, Bộ cũng sẽ xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra các dự án ODA nói chung, đặc biệt là các dự án ODA của Nhật Bản.
Các biện pháp phòng chống tham nhũng khác sẽ được thực hiện quyết liệt như ban hành quy tắc đạo đức ứng xử trong đấu thầu đối với các dự án ODA của Nhật Bản, ban hành quy chế thí điểm về sự tham gia của bên thứ 3 trong các dự án ODA Nhật Bản.
Ngoài ra, Bộ KHĐT sẽ lấy ý kiến sửa đổi các quy định có liên quan về ODA trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu sẽ có hiệu lực từ 1/7/2014 và Luật đầu tư công sắp được Quốc hội thông qua, qua đó, giúp minh bạch hoá được công tác đấu thầu các dự án ODA tới đây.
Theo ông Tiến, hai bên cơ quan Việt Nam- Nhật Bản vẫn xác định rằng, sẽ cố gắng hợp tác để vụ việc tiêu cực ở JTC và Tổng công ty đường sắt Việt Nam không ảnh hưởng gì đến quan hệ hỗ trợ vay vốn ODA giữa 2 nước.
"Đây là một vụ việc nghiêm trọng và chính là một thách thức để chúng ta phải cải thiện văn bản pháp quy liên quan liên quan đến sử dụng ODA và minh bạch cơ chế tài chính", ông Tiến nhấn mạnh.
Phạm Huyền