Gần 7 năm đứng bếp trong gia đình, chị Bùi Thị Minh Châu ở Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã chi khoảng vài chục triệu để mua đồ gia dụng từ hộp bảo quản thực phẩm đến nồi, chảo... của hãng Tupperware. Bởi, chị ưng từ kiểu dáng đến chất lượng sản phẩm của hãng này.
Đặc biệt là các loại hộp nhựa đựng đồ ăn, chúng không chỉ đẹp mà trữ thực phẩm còn đảm bảo an toàn, sạch và nắp hộp kín khí ngăn không thoát mùi thực phẩm ra ngoài. Do đó, chỉ riêng hộp nhựa Tupperware, có những bộ chị mua với giá lên tới 2,5-3 triệu đồng.
“Giá khá cao nhưng dùng vài năm cũng không thấy hỏng”, chị nói. Trong tủ ngăn mát, ngăn cấp đông tủ lạnh đã xếp đầy hộp nhựa Tupperware. Tủ bếp nhà chị Châu cũng còn đến vài chục chiếc hộp nhựa bảo quản đồ ăn sống, chín của hãng.
Khi hay tin Tupperware muốn bảo hộ phá sản, chị vội tìm mua những món gia dụng mà gia đình thường xuyên sử dụng để tích trữ, dùng dần. Các cửa hàng cũng đang có chương trình giảm giá khá lớn nên mua bây giờ có giá rẻ hơn.
Ví như xửng hấp 3 tầng trước gần 800.000 đồng, nay giảm còn 520.000 đồng; bộ hộp trữ mát có nút hô hấp từ 2,5 triệu đồng giảm còn 1,3 triệu đồng; ly giữ nhiệt từ 1 triệu đồng còn 630.000 đồng; bộ hộp trữ mát và trữ đông cũng giảm hơn 40% còn 680.000 đồng; chảo rán giá cũng giảm từ 6,2 triệu nay giảm còn 3,7 triệu đồng...
“Đây là những món đồ tôi chốt mua hôm qua và sáng nay. Tính ra cũng hết gần chục triệu đồng vì có sản phẩm tôi mua 2 hộp, hay như ly giữ nhiệt tôi mua 4 chiếc liền”, chị nói.
Chị Đoàn Thị Trâm ở Hà Đông (Hà Nội) cũng săn mua mấy bộ hộp nhựa Tupperware để đựng thực phẩm trữ trong ngăn mát và ngăn đông tủ lạnh.
“Không phải vì nhà thiếu hộp nhựa mà phải mua thêm. Tôi mua vì thấy đồ dùng tốt. Giờ nếu chẳng may hãng phá sản mai sau có muốn mua cũng rất khó”, chị Trâm nói. Sau một ngày săn mua hàng giảm giá, ngoài mấy bộ hộp nhựa, chị còn chốt mua thêm một bộ dao 4 món với giá hơn 5 triệu đồng.
Trên diễn đàn mạng xã hội của các bà nội trợ, nhiều người đăng tải thông tin hãng Tupperware xin bảo hộ phá sản và tỏ ra tiếc nuối. Trong đó, không ít chị em khoe các món đồ gia dụng vừa mua được với giá rẻ. Mặt hàng hộp nhựa bảo quản thực phẩm được giới nội trợ quan tâm nhất nên có người đã đặt mua vài bộ về dùng dần.
Đăng bán bộ hộp nhựa trữ mát và trữ đông 7 món của Tupperware với giá 650.000 đồng, chỉ một ngày sau chị Văn Bích Ngọc ở Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã chốt được 70 đơn hàng, số lượng hộp bán ra lên tới gần 100 bộ.
“Ngày thường khách mua hộp nhựa Tupperware không nhiều đến vậy. Còn hôm qua, giá bộ hộp này giảm gần một nửa, lại có thêm thông tin hãng xin bảo hộ phá sản nên nhiều chị em tranh thủ đặt mua”, chị nói.
Trao đổi với PV.VietNamNet, chị Đặng Diễm Hương ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, hôm qua lượng khách đặt các sản phẩm của hãng Tupperware tăng gấp đôi so với ngày thường. Nhân viên đóng gói sản phẩm giao cho khách mỏi tay vẫn không kịp. Một số đơn phải lùi lại sang ngày hôm nay mới giao hàng đi được.
Có khách hàng đặt hẳn 4 bộ hộp bảo quản thực phẩm trữ mát và trữ đông 13 món với giá 2,3 triệu đồng/bộ. Thậm chí, một khách đặt tới 30 hộp bảo quản thực phẩm ngăn mát tủ lạnh loại 3,1 lít, giá trị đơn hàng lên tới hơn 9,4 triệu đồng.
“Có rất nhiều mặt hàng đang giảm giá khủng, nhưng đây là chương trình giảm giá hãng thực hiện từ cuối tháng 8 đến hết tháng 9 này”, chị Hương cho hay. Theo chị, có thể bắt nguồn từ thông tin hãng tuyên bố xin bảo hộ phá sản, cộng với đợt giảm giá khủng này nên lượng khách mua hàng tăng mạnh.
Tupperware là công ty chuyên sản xuất các đồ dùng nhà bếp và thống trị thị trường lưu trữ thực phẩm toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Ngày 17/9, Tupperware đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau 78 năm có mặt trên thị trường.
Truyền thông quốc tế đưa tin, trong một báo cáo nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ vào tháng 4 năm nay, Tupperware cho biết công ty đang nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động trong thời gian tới và phải làm việc với các cố vấn tài chính để tìm ra cách giải quyết.
Sau đó, công ty đã lên kế hoạch đóng cửa nhà máy duy nhất tại Mỹ và sa thải gần 150 nhân viên. Việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản diễn ra sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ triền miên, không thực hiện đúng thỏa thuận với các chủ nợ và chưa có sự kết nối mạnh mẽ với người tiêu dùng trẻ tuổi.