Thiếu tướng Hải chọn nội dung này để chất vấn vì đây là vấn đề  được cử tri quan tâm.

XEM CLIP: 

"Cơ quan quản lý đang gặp rất nhiều khó khăn từ thu thuế, ký hợp đồng lao động đến quản lý hợp đồng lao động, cho đến quản lý lái xe không tuân thủ theo các quy định mà cơ quan quản lý đang thực hiện", ông Hải nói.

Theo ông, bản thân các HTX vận tải lẫn DN Grab không trực tiếp quản lý lái xe, không mua bảo hiểm cho lái xe và tài xế cũng không được kiểm tra. Chính vì vậy, lái xe vi phạm, không đủ tiêu chuẩn trong quá trình vận chuyển hành khách diễn ra trên nhiều địa bàn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

'Là một kiểu lách luật'

Vậy cơ quan quản lý nhà nước gặp những khó khăn gì khi xe cá nhân chở khách theo mô hình của Grab không được nhận dạng như taxi gắn mào?

CSGT nhận dạng các xe chở khách bằng taxi thì phải gắn mào. Nhưng xe Grab đều là xe dân sự của dân không gắn mào nên các lực lượng không thể phân biệt được đâu là Grab đâu là xe của dân.

Chính vì vậy, quá trình chúng tôi điều tiết giao thông đối với những tuyến hạn chế các phương tiện giao thông vận tải như taxi đi vào nhưng vì không nhận diện được Grab nên họ tự do đi lại dẫn đến một số nơi dù cấm taxi vẫn diễn ra ùn tắc. 

Như ông nói, hiện cả HTX vận tải lẫn DN Grab không quản lý được tài xế Grab. Vậy trong quá trình kiểm tra, các cơ quan chức năng có dễ dàng liên hệ với lái xe và cả DN khi có vi phạm xảy ra để chế tài?

Các cơ quan quản lý nhà nước rất tích cực nhắc nhở, thông báo, điều chỉnh nhưng trong quá trình kiểm tra xử lý phải nhắc nhở nhiều lần mới xử lý được.

Bởi vì thực tế cả Grab và HTX Vận tải đều không trực tiếp quản lý lái xe mà họ thực hiện theo mô hình khách gọi thì họ đón và thanh toán tiền qua hệ thống công nghệ.

{keywords}
Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội

Hiện Sở GTVT có cấp cho Grab phù hiệu, tem để dán kính trước xe. Theo ông, dấu hiệu như vậy đã đủ nhận biết xe Grab hay chưa?

Việc dán logo như vậy họ sẵn sàng không tuân thủ và cơ quan chức năng khó nhận biết. Việc gắn mào như taxi truyền thống dễ nhận biết hơn, hàng ngày họ giao xe tại đơn vị nên việc thay đổi logo không thể làm được còn Grab không làm được như vậy. Do đó lực lượng thanh tra kiểm tra gặp khó khăn trong quá trình kiểm soát Grab .

Hoạt động của Grab hiện nay không hẳn là trá hình nhưng là một kiểu lách luật. Do đây là lĩnh vực quản lý mới, các quy định và sự quản lý của các cơ quan chức năng chưa đầy đủ, chặt chẽ.

Lúng túng quản lý hàng vạn ô tô Grab 

Mới đây, Bộ GTVT đề xuất trong dự thảo sửa Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô yêu cầu lắp mào cho taxi công nghệ như Grab. Ý kiến của ông về việc này?

Tôi cho rằng điều đó rất đúng. Các nước họ cũng gắn mào cho Grab như Singapore. Đấy là một trong những quốc gia quản lý giao thông điện tử làm rất tốt. Tôi cho rằng việc đó là rất tốt để chúng ta kiểm soát, đặc biệt đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang ùn tắc giao thông.

Tại Hà Nội có bao nhiêu taxi công nghệ như Grab?

Hiện nay tôi được biết Hà Nội có 31.000 ô tô Grab và 50.000 xe máy, TP.HCM gấp 3 lần so với Hà Nội. Đây là những con số cho thấy lượng xe tham gia giao thông hàng ngày rất lớn, đặc biệt giờ cao điểm, những điểm trọng điểm cần điều tiết, phân luồng giao thông chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.

Người dân có quyền kinh doanh tất cả ngành nghề pháp luật không cấm. Người dân do cuộc sống họ đi lái Grab để kiếm sống là hoàn toàn chính đáng. Vấn đề là chúng ta phải hạn chế số lượng nhất định và quản lý địa bàn và đội ngũ lái xe tránh các hành vi vi phạm pháp luật.

Ví dụ trước kia chưa có Grab, taxi Hà nội chỉ có 22.000 xe, mỗi lần muốn tăng lên, HĐND TP bàn rất kỹ, đánh giá, họp bàn, khảo sát thực trạng giao thông và nhu cầu của khách mới cho tăng, do đó mình quản lý được.

Với mô hình Grab thật sự các cơ quan quản lý đang lúng túng chưa có phương pháp quản lý hữu hiệu.

Kinh doanh xe công nghệ phải có trách nhiệm nộp thuế

Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã giao cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục lấy ý kiến để sớm hoàn thiện quy định này.

Qua thảo luận đến nay một số nội dung trong dự thảo sửa đổi Nghị định 86, nhất là quy định liên quan đến xe công nghệ vẫn còn 2 luồng tư tưởng khác nhau. Một bên cho rằng xe công nghệ như Grab không phải là hoạt động kinh doanh vận tải. Nhóm ý kiến khác lại khẳng định đây là hoạt động kinh doanh vận tải.

Ông Dũng cho rằng phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải. Tuy nhiên các quy định của nhà nước trong lĩnh vực này cũng phải tạo ra sự cạnh tranh công bằng.

“Làm sao cũng phải tăng cường các giải pháp để quản lý doanh nghiệp dùng công nghệ trong hoạt động vận tải, nhất trách nhiệm nộp thuế cho nhà nước”, ông Dũng nói.

Về việc có nên xem các DN áp dụng công nghệ như Grab như là DN kinh doanh vận tải hay không, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: “Chắc chắn phải là DN kinh doanh vận tải. Không thể nói khác được”.

Hiệp hội taxi TP.HCM phản ứng về kiến nghị ‘lách luật’ của Grab

Hiệp hội taxi TP.HCM phản ứng về kiến nghị ‘lách luật’ của Grab

Cho rằng bản kiến nghị đóng góp dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 của Grab trái thực tế, trái pháp luật… Hiệp hội taxi TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT giữ lập trường.

Thu Hằng